|
Hôm nay, một vụ đánh bom nhằm vào các tín đồ Thiên Chúa giáo ở miền nam Philippines khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Tổng thống Ferdinand Marcos cáo buộc "những kẻ khủng bố nước ngoài" gây ra.
Hiện trường vụ tấn công. (Ảnh: AP)
Hiện trường vụ tấn công. (Ảnh: AP)
Vụ đánh bom xảy ra trong lễ cầu nguyện buổi sáng tại nhà thi đấu của ĐH Mindanao ở Marawi, thành phố Hồi giáo lớn nhất đất nước.
Trung tướng cảnh sát Emmanuel Peralta cho biết, 4 người đã thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương trong vụ nổ do thiết bị tự chế gây ra.
Các quan chức an ninh khác cho biết, vụ đánh bom có thể là hành động tấn công trả đũa một loạt hoạt động quân sự nhằm vào các nhóm nổi dậy trong những ngày gần đây.
Ảnh đăng trên trang Facebook của chính quyền tỉnh Lanao del Sur cho thấy những chiếc ghế nhựa bị lật, cửa kính vỡ và mảnh vỡ xung quanh thi thể nằm trên sàn nhà thi đấu.
Một nạn nhân bị thương cho biết, vụ nổ xảy ra trong buổi đọc Kinh thánh buổi sáng, vào 7 giờ sáng giờ địa phương.
Tổng thống Marcos lên án hành động tấn công của "những kẻ khủng bố nước ngoài", cho rằng đây là điều "vô nghĩa" và "tàn ác".
Thị trưởng thành phố Marawi Majul Gandamra kêu gọi cộng đồng Hồi giáo và Thiên Chúa giáo đoàn kết.
Tổng tư lệnh quân đội Romeo Brawner cho biết, vụ đánh bom có thể là hành động tấn công trả thù các chiến dịch quân sự nhằm vào 3 nhóm nổi dậy Dawlah Islamiyah-Philippines, Abu Sayyaf và Maute ở phía tây Mindanao trong những ngày gần đây.
Các tay súng thân lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) và Abu Sayyaf từng bao vây Marawi năm 2017. Khi đó, quân đội Philippines giành lại thành phố đổ nát sau trận chiến kéo dài 5 tháng, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Bộ trưởng Quốc phòng Gilbert Teodoro nói với các phóng viên: “Có những dấu hiệu rõ ràng về yếu tố nước ngoài (trong cuộc tấn công hôm nay)”.
Cộng đồng Hồi giáo thiểu số ở Philippines được trao quyền tự trị dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte, nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Manila đã ký hiệp ước hòa bình với nhóm nổi dậy lớn nhất quốc gia, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro, từ năm 2014. Nhưng các nhóm nhỏ vẫn tồn tại và phản đối thỏa thuận hòa bình. |
|