|
Quân đội Ukraine áp dụng triệt để chiến thuật "bắn và chạy" nhanh như chớp để giúp các khẩu đội pháo tự hành Caesar sống sót.
Pháo tự hành Caesar trên chiến trường Ukraine (Ảnh: Reuters).
Theo nhà sản xuất KNDS Nexter của Pháp, Ukraine đã mất ít hơn 10% số pháo tự hành Caesar cỡ nòng 155mm gắn trên khung gầm xe tải quân sự việt dã mà họ nhận được từ Pháp và Đan Mạch, nhờ khả năng cơ động tốt dẫn đến tỷ lệ sống sót cao hơn so với một số hệ thống pháo tự hành hoặc xe kéo khác.
Trong một tuyên bố với Defense News, công ty cho biết thiệt hại đối với một số hệ thống pháo tự hành hoặc xe kéo khác trong cuộc đọ sức giữa Ukraine với Nga lên tới gần 30%.
Caesar do Pháp chế tạo - pháo tự hành 155mm nhẹ nhất thế giới với trọng lượng 18 tấn - có thể bắn 6 quả đạn trong vòng một phút trước khi thu hồi và di chuyển, theo một chiến thuật pháo binh được gọi là "bắn và chạy".
Trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng trên chiến trường, cơ động nhanh như chớp là cách bảo vệ tốt nhất của hệ thống Caesar thay vì tầm bắn của pháo.
Nexter cho biết trong tuyên bố: "Việc sử dụng máy bay không người lái và UAV lảng vảng đã trở thành mối đe dọa thực sự cách mặt trận 40km, nơi Caesar hoạt động... Do đó, trọng lượng nhẹ và khả năng rời khỏi vị trí trong vòng chưa đầy một phút để tránh bị phản pháo là đặc tính ưu việt vượt trội".
Ukraine đã nhận được 55 tổ hợp Caesar, trong đó 36 khẩu do Pháp cung cấp, bao gồm 6 hệ thống được mua trong năm nay và 19 khẩu khác do Đan Mạch tặng.
Bên cạnh pháo của Pháp, Ukraine còn vận hành các hệ thống pháo 155mm bao gồm xe kéo M777 của Mỹ và các hệ thống tự hành như Pzh 2000 của Đức, Krab của Ba Lan và Archer của Thụy Điển.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu đã đến thăm cơ sở sản xuất của Nexter ở Versailles, ngoại ô Paris vào đầu tháng 4 để thảo luận về liên minh do Pháp - Mỹ dẫn đầu nhằm cung cấp pháo binh và đạn dược cho Ukraine.
Pháp, Đan Mạch và Ukraine đã đồng ý tài trợ cho việc mua 78 hệ thống Caesar cho Kiev vào năm 2024 như một phần của liên minh, Bộ trưởng Lecornu cho biết vào tuần trước. Trong đó bao gồm 6 khẩu đã được giao trong năm nay.
Nexter đã tăng sản lượng Caesar hàng tháng lên 6 khẩu, tức gấp 3 lần so với trước khi xung đột bùng nổ, và mục tiêu "trong thời gian tới" là 12 khẩu pháo mỗi tháng, ông Lecornu cho biết trong một cuộc họp báo sau chuyến thăm.
Công ty cho biết mục tiêu là đạt được công suất mới trong vòng một năm và Nexter đã đầu tư để tăng sản lượng của các bộ phận của hệ thống.
Nexter cho hay: "Hiện tại, toàn bộ hoạt động sản xuất của Caesar đều được dành cho Ukraine và để bổ sung vào kho dự trữ của Quân đội Pháp".
Vào tháng 12/2023, Pháp đã đặt hàng 109 khẩu pháo thế hệ mới từ Nexter với giá khoảng 350 triệu euro, đợt giao hàng đầu tiên dự kiến vào năm 2026. Phiên bản nâng cấp sẽ có cabin bọc thép để bảo vệ khỏi mìn và vũ khí cỡ nòng nhỏ, dựa trên phản hồi từ việc triển khai của Pháp ở Afghanistan và khu vực Sahel của châu Phi.
Caesar MkII sẽ có động cơ 460 mã lực mới, mạnh hơn gấp đôi so với động cơ 215 mã lực trước đó, đặt trên khung gầm xe tải 3 cầu (6x6) mới của nhà sản xuất xe quân sự Arquus và phần mềm điều khiển hỏa lực cũng được cập nhật. Theo Tổng cục Vũ khí Pháp, phiên bản này sẽ giữ lại khẩu pháo 155mm, tầm bắn hơn 40km và vẫn có thể vận chuyển bằng đường hàng không.
Sau khi Ukraine chiếm ưu thế về hỏa lực pháo binh vào mùa hè năm 2023, Nga đã giành lại thế thượng phong và hồi tháng 1, Bộ trưởng Lecornu cho biết tỷ lệ tiêu thụ đạn pháo là gần 1/6 nghiêng về Nga. Pháo binh là sát thủ lớn nhất trong cuộc xung đột ở Ukraine, chiếm hơn 70% số thương vong.
Sự thiếu hụt pháo binh của Ukraine đã góp phần gây ra những thất bại gần đây trên tiền tuyến, bao gồm cả việc rút quân khỏi thành phố Avdiivka ở vùng Donetsk vào tháng Hai.
Hồi tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết năng lực pháo binh mạnh hơn là một trong những nhu cầu then chốt của Kiev để giành chiến thắng. |
|