|
Pháp luật quy định khung hình phạt đối với tội Tham ô tài sản ra sao? Nếu tham ô tài sản giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên, người phạm tội có thể được miễn án tử hình trong trường hợp nào?
Trả lời
Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự về tội Tham ô tài sản. Khung hình phạt cơ bản của tội danh này là phạt tù 2-7 năm, áp dụng trong trường hợp giá trị tài sản tham ô từ 2 triệu đến dưới 100 triệu đồng.
Ngoài ra, tùy thuộc giá trị tài sản chiếm đoạt hoặc mức độ thiệt hại mà hành vi gây ra, người phạm tội có thể bị áp dụng các tình tiết định khung khác nhau. Trường hợp nặng nhất, khi giá trị tài sản tham ô từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc hành vi phạm tội gây thiệt hại từ 5 tỷ đồng trở lên, người phạm tội sẽ bị xử lý hình sự theo khoản 4, Điều 353 Bộ luật này với khung hình phạt là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ảnh minh họa.
Quảng cáo của DTads
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định 1-5 năm và bị phạt tiền thêm ở mức 30-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là tử hình. Đây là hình phạt thể hiện sự nghiêm khắc, đầy tính răn đe của pháp luật đối với những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn của bản thân để vụ lợi. Tuy nhiên, bên cạnh tính nghiêm khắc, pháp luật cũng có những cơ hội thể hiện sự khoan hồng, tạo ra một "đường lùi" cho những người không may vướng vòng lao lý.
Cụ thể, khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về việc áp dụng biện pháp tử hình nêu ra 3 nhóm đối tượng không áp dụng biện pháp tử hình, đó là: Phụ nữ có thai hoặc thai phụ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người từ đủ 75 tuổi trở lên và Người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Như vậy, đối với trường hợp người phạm tội Tham ô tài sản bị tuyên án tử hình, để được xét giảm án, họ cần đáp ứng 2 điều kiện bắt buộc, đó là: Chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô và Tích cực hợp tác với cơ quan chức năng hoặc lập công lớn.
Để giải thích cho 2 khái niệm trên, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có quy định cụ thể như sau:
"Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ" được hiểu là trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tự mình nộp lại; tác động để những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc người thân nộp lại ít nhất 3/4 tài sản mà mình đã tham ô hoặc nhận hối lộ.
"Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn" là việc sau khi phạm những tội liên quan tới tham nhũng, chức vụ, người phạm tội đã chủ động cung cấp tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến hành vi mà họ bị buộc tội (VD: Chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi vật chứng; Khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; Khai báo về tội phạm và những người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội…). Ngoài những trường hợp trên, có thể xác định những trường hợp khác có thể đủ yếu tố để áp dụng tình tiết này nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.
Từ đó có thể thấy, để thoát án tử hình, người phạm tội cần đáp ứng đồng thời 2 điều kiện nêu trên. Trường hợp nếu chỉ nộp lại ít nhất 3/4 số tiền tham ô mà không tích cực hợp tác với cơ quan điều tra thì vẫn không có căn cứ để xét giảm nhẹ hình phạt.
Bên cạnh đó, trong trường hợp bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án tử hình, người phạm tội còn có thể lựa chọn gửi đơn kháng cáo lên Tòa án cấp phúc thẩm để xin giảm nhẹ hình phạt. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn để kháng cáo là 15 ngày. Để Tòa án cấp phúc thẩm xét giảm nhẹ hình phạt, người phạm tội cần cung cấp được các tình tiết giảm nhẹ mới so với tại phiên tòa sơ thẩm. |
|