|
Vượt đồng Yên của Nhật, Nhân dân tệ của Trung Quốc được sử dụng phổ biến thứ tư thế giới.
Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) vừa công bố số liệu cho thấy, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã vượt qua đồng Yên của Nhật Bản, trở thành đồng tiền thanh toán lớn thứ tư trên thế giới. Đây là lần thứ hai Nhân dân tệ vượt đồng Yên trong thanh toán toàn cầu, lần trước là vào đầu năm 2022.
Theo đó, việc sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng lên 4,61% trong thanh toán toàn cầu trong tháng 11, vượt qua đồng yên Nhật và đứng sau đồng USD, đồng Euro và bảng Anh.
Cụ thể, số liệu của SWIFT cho thấy, giá trị thanh toán bằng Nhân dân tệ đã tăng 34,87% so với tháng 10/2023, trong khi mức tăng của các loại tiền tệ thanh toán nói chung là 5,35%. Trong tháng 11, đồng USD, đồng Euro và bảng Anh đứng trong top 3 với tỷ lệ lần lượt là 47,08%, 22,95% và 7,15% trên bảng xếp hạng số tiền thanh toán bằng các loại tiền tệ chính. Đồng Yên Nhật rơi xuống vị trí thứ 5, chiếm 3,41%.
Trong đó, tỷ trọng thanh toán toàn cầu của đồng Nhân dân tệ đã tăng lên 4,61% trong tháng 11 từ mức 3,6% của tháng 10, trong khi đồng Yên Nhật giảm từ 3,91% xuống 3,41%.
Kể từ đầu năm, đã có những diễn biến đáng chú ý đánh dấu sự quốc tế hóa của đồng Nhân dân tệ, chẳng hạn đồng tiền này đã vượt qua Euro trở thành đồng tiền lớn thứ hai trong dự trữ ngoại hối của Brazil, Argentina lần đầu tiên sử dụng Nhân dân tệ để trả nợ nước ngoài hay Pakistan lần đầu thanh toán tiền mua dầu thô của Nga bằng Nhân dân tệ.
Dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC), tức ngân hàng trung ương, cho thấy, trong các giao dịch thương mại hàng hóa xuyên biên giới của Trung Quốc, tỷ lệ thanh toán bằng đồng nhân dân tệ đạt 24,4% trong 9 tháng đầu năm, tăng 7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.
Theo các nhà phân tích, các số liệu trên đã phản ánh tiến trình ổn định trong quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cũng như sức hấp dẫn ngày càng tăng của đồng nhân dân tệ như một loại tiền tệ trong thanh toán và thanh toán toàn cầu, kết hợp với quan điểm lạc quan về đà phát triển dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc. |
|