|
Các số liệu khảo sát cho thấy ôtô thương hiệu BYD tại các thị trường nước ngoài đang đắt hơn mức niêm yết dành cho khách hàng Trung Quốc.
Làn sóng ôtô Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ.
Theo Reuters, BYD vừa tăng giá đáng kể đối với nhóm xe bán ra tại các thị trường bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Hành động này được cho là nhằm mục tiêu thu về khoản lợi nhuận mà hãng sản xuất ôtô Trung Quốc khó có thể nhận được ở thị trường nội địa, nơi tình hình cạnh tranh ngày một khốc liệt.
Cao hơn gần gấp ba
Cụ thể, Reuters cho biết một số showroom của BYD tại các thị trường nước ngoài đang niêm yết xe với giá cao hơn gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 mức giá mà hãng xe này định vị tại thị trường Trung Quốc.
Ví dụ, BYD Atto 3 có giá niêm yết tương đương 19.283 USD tại Trung Quốc, nhưng khách hàng ở Đức đang phải bỏ ra đến 42.789 USD để có thể sở hữu xe.
Trước đó vào tháng 3, ông Wang Chuanfu - nhà sáng lập hãng xe BYD - từng phát biểu với các nhà đầu tư rằng BYD kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ giúp lợi nhuận công ty tăng trưởng trong năm nay, giữa lúc cuộc chiến giá tại thị trường xe điện Trung Quốc đang đe dọa lợi nhuận của BYD.
BYD Atto 3 là một trong số những mẫu xe có sự chênh lệch lớn về giá bán giữa các thị trường.
Được biết, việc giá xe có sự khác biệt tại các thị trường khác nhau, chẳng hạn giữa xe bán cho khách hàng trong nước với ôtô xuất khẩu, là điều khá phổ biến trên thị trường ôtô toàn cầu. Tuy nhiên theo ông Sam Fiorani - Phó chủ tịch tại AutoForecast Solutions, quy mô tăng phí của BYD đối với thị trường nước ngoài là khá hiếm.
“Thông thường, mức chênh lệch giá tại các thị trường khác nhau trên toàn cầu là khá nhỏ”, ông Sam Fiorani chia sẻ.
Chuyên trang Reuters nhận định khoảng chênh lệch giá bán nói trên phản ánh sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường Trung Quốc, nơi hàng chục thương hiệu xe điện đang tham gia cuộc chiến giá xe.
Chuyên trang Reuters nhấn mạnh đến lợi thế về chi phí mà ngành xe điện Trung Quốc đang có được so với những đối thủ nước ngoài. Các chuyên gia nghiên cứu về ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc cho biết BYD đã tiến hành siết chặt chi phí tại mọi khâu trong quy trình sản xuất, từ nguyên liệu thô cho đến pin, mặt bằng và nhân công.
Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cũng được cho là đã trợ cấp rất nhiều cho toàn bộ thương hiệu xe điện đang hiện diện trên thị trường ôtô xứ tỷ dân, nơi xe điện và xe plug-in hybrid chiếm hơn một phần ba tổng doanh số ôtô mới trong năm vừa rồi.
Reuters dẫn lời Ben Townsend - người đứng đầu mảng ôtô của Thatcham Research - cho biết các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, với BYD là lá cờ đầu, đang hài lòng với việc giữ cho giá xe tại các thị trường nước ngoài ở mức cao, từ đó thu về được lợi nhuận.
Ben Townsend cho rằng các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc thường gặp khó trong việc thu về một khoản lợi nhuận nhỏ hoặc thậm chí là khó có thể hòa vốn ngay trên thị trường tại quê nhà.
“Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc không tìm cách hạ giá xe tại châu Âu. Họ đang tìm cách kiếm thêm lợi nhuận”, Ben Townsend kết luận.
Xóa bỏ định kiến “xe Trung Quốc giá rẻ”
Trong khi đó, bà Bo Yu thuộc công ty nghiên cứu JATO Dynamics của Anh cho biết BYD cùng với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc khác đang cố gắng xóa bỏ định kiến giá rẻ đối với các sản phẩm Trung Quốc.
Các hãng xe đến từ đất nước tỷ dân được cho là nỗ lực thực hiện mục tiêu này thông qua xây dựng danh tiếng thương hiệu trên toàn cầu và tập trung vào duy trì giá trị bán lại ở mức cao cho sản phẩm.
Chuyên trang Reuters đã tiến hành khảo sát giá bán các mẫu xe của BYD bao gồm BYD Dolphin, BYD Seal và BYD Atto 3 tại 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu như Đức, Brazil, Israel, Australia và Thái Lan.
BYD bán xe cho khách hàng nước ngoài với giá cao hơn giá niêm yết trong nước.
Kết quả cho thấy tại các thị trường nước ngoài, giá khởi điểm của BYD Atto 3 nhỉnh hơn giá xe trên thị trường Trung Quốc từ 81% đến 174%. Với BYD Dolphin, mức chênh lệch dao động từ 39% đến 178% trong khi BYD Seal tại các thị trường nước ngoài có giá bán cao hơn từ 30% đến 136% so với giá niêm yết dành cho khách hàng Trung Quốc.
Phiên bản BYD Dolphin tại Đức có giá bán 37.439 USD, cao hơn gấp đôi so với giá niêm yết 16.524 USD tại thị trường Trung Quốc dù chia sẻ chung bộ pin. BYD Seal bản nâng cấp có giá 48.139 USD tại Đức, cao hơn 59% so với mức niêm yết 30.317 USD dành cho khách hàng Trung Quốc.
Chuyên trang Reuters cũng chỉ ra rằng các mẫu Tesla Model 3 xuất xưởng từ nhà máy Gigafactory ở Thượng Hải được bán cho khách hàng Đức với giá cao hơn 37% so với mức giá niêm yết tại Trung Quốc.
Bên cạnh các mẫu xe cao cấp, các mẫu xe điện cỡ nhỏ giá rẻ với trang bị nghèo nàn cũng đang được coi là thoái trào và sẽ dần bị loại bỏ tại Trung Quốc cũng như trên thế giới. Xe Trung Quốc giá rẻ có lẽ sẽ kết thúc xứ mệnh của mình và tương lai sẽ là các hãng xe Trung Quốc đứng ngang hàng với xe Nhật, Hàn hay châu Âu.
Tận dụng lợi thế từ chuỗi cung ứng
Nghiên cứu do Reuters thực hiện trên giá xe điện Trung Quốc tại châu Âu cho thấy các nhà sản xuất ôtô đến từ đất nước tỷ dân thường định giá sản phẩm thấp hơn, hoặc chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với các hãng xe truyền thống tại châu Âu. Bên cạnh đó, xe Trung Quốc cũng có những trang bị tiêu chuẩn mà các hãng sản xuất ôtô truyền thống của châu Âu thường buộc khách hàng phải chi thêm tiền để sở hữu.
Phiên bản cao cấp nhất của BYD Atto 3 tại Đức có giá niêm yết tương đương 42.789 USD, trong khi bản tiêu chuẩn của Opel Mokka thuần điện có giá niêm yết 43.652 USD. Đồng thời, mẫu crossover của BYD cũng có giá bán cao hơn mức khởi điểm 41.298 của Peugeot E-2008 tại thị trường châu Âu.
Khảo sát của Reuters cũng cho thấy BYD Seal tại châu Âu có giá niêm yết cao hơn khoảng 10% so với Tesla Model 3. Trong khi đó tại thị trường Trung Quốc, BYD Seal lại được bán với giá thấp hơn 6% so với mẫu xe điện của Tesla.
BYD kỳ vọng thu lời tại các thị trường nước ngoài.
Chuyên trang Reuters cho rằng BYD sở hữu lợi thế nhỉnh hơn các nhà sản xuất ôtô truyền thống nhờ chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc. Theo đó, hãng xe Trung Quốc tự sản xuất gần như tất cả bộ phận trên ôtô, thay vì hợp tác cùng các nhà cung cấp.
Việc Trung Quốc sở hữu quyền khai thác tại nhiều mỏ khoáng sản quan trọng để sản xuất pin cũng được cho là một phần lý do khiến BYD tỏ ra có lợi thế trước các đối thủ phương Tây. Chuyên trang Reuters dẫn dữ liệu từ Benchmark Mineral Intelligence cho thấy giá pin xe điện tại Trung Quốc trong năm nay đang thấp hơn khoảng 18% so với mức giá tại thị trường châu Âu. |
|