|
Một cô gái 18 tuổi ở Nghệ An được xác định tử vong sau khi nhiễm bệnh bạch hầu. Cơ quan chức năng đã khoanh vùng, xác định hơn 100 người tiếp xúc với bệnh nhân.
Ngày 8/7, theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC), trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu là chị P.T.C. (SN 2006), trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn.
Theo đó, ngày 24/6, bệnh nhân C. có biểu hiện sốt, ho, đau họng, tự mua thuốc điều trị (thuốc tây và thuốc nam) nhưng không đỡ.
Ngày 26-27-28/6, bệnh nhân có tham dự kỳ thi THPT tại Trường THPT Kỳ Sơn. Sáng 29/6, sau khi thi xong, bệnh nhân về nhà nhưng tình trạng bệnh không đỡ.
Đến đêm 30/6, bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn với tình trạng mệt mỏi, da, niêm mạc kém hồng, sốt 37,8 độ C, ho, đau họng, khàn tiếng, sưng vùng cổ phải, nuốt đau, nổi hạch góc hàm 2 bên, amydal to có dịch mủ, có giả mạc trắng bám amydal và lưỡi gà, dễ bóc tách. Các bác sĩ nghi ngờ cô gái này nhiễm bệnh bạch hầu.
Ngày 3/7, vào lúc 22h30, bệnh nhân sốt 39 độ C, các biểu hiện khác không thuyên giảm.
Sau đó, các bác sĩ tại trung tâm y tế tiến hành hội chẩn liên khoa và hướng dẫn gia đình cho chuyển tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, gia đình không đủ điều kiện nên xin cho bệnh nhân tiếp tục điều trị tại khoa.
Ngày 4/7, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã lấy mẫu bệnh phẩm của nữ sinh gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán.
Đến 23h50 cùng ngày, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà trong tình trạng nguy kịch. Rạng sáng 5/7, bệnh nhân tử vong trên đường về địa phương.
Cán bộ CDC Nghệ An vào điều tra, xác minh các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đã tử vong do mắc bạch hầu ở xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn.
Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An nhận được thông báo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu.
Đồng thời, cơ quan chức năng đã cử đội phản ứng nhanh đến địa phương ghi nhận, điều tra và kiểm soát dịch bệnh bạch hầu. Bước đầu xác định có 119 người tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến khi người này tử vong.
Theo nhận định của CDC Nghệ An, Kỳ Sơn là huyện có dịch bạch hầu lưu hành trong nhiều năm, các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân trong đợt này phân bố ở nhiều xã trong huyện, và các xã thuộc huyện Tương Dương (huyện lân cận). |
|