|
Thời điểm cận Tết Nguyên đán, dù khung cảnh những bến xe, nhà ga, sân bay không khác ngày thường nhưng cơn bão mang tên nhu cầu đi lại đã và đang "đổ bộ" xuống các kênh bán vé
Theo ghi nhận tại Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức, TP HCM) chiều 23-1, ít khách đến đây hỏi vé xe Tết mà chủ yếu là mua đi trong ngày. Họ tới nhận vé và thanh toán sau khi đặt qua tổng đài.
Mỗi ngày mỗi "nóng"
Tình cảnh có phần đìu hiu ấy dường như chưa phản ánh đúng thực tế nhu cầu di chuyển đang nóng lên từng ngày của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Bởi theo tìm hiểu của phóng viên, một số tuyến xe khách đi các tỉnh, thành miền Trung như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng… vé những ngày cao điểm đã bán hết dù giá chênh lệch gần gấp đôi so với ngày thường. Như nhà xe Phi Hiệp, giá vé ô tô khách ngày cận Tết là 1,1 triệu đồng/lượt (600.000 đồng/lượt ngày thường).
Một số tuyến từ TP HCM đi các tỉnh gần như Khánh Hòa, Bình Thuận dù còn vé nhưng giá chênh 40% - 60% so với ngày thường. Đơn cử, nhà xe Kumho Samco đi Bình Thuận ngày thường là 290.000 đồng trong khi những ngày cận Tết là 440.000 đồng.
Chị Trần Thị Hồng (37 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đến mua vé về quê Tuy Hòa, Phú Yên ngày 27 tháng chạp (tức 6-2). Chị Hồng kể trước đó gọi tổng đài nhà xe đặt rồi đến bến xe lấy vé. Dù xót tiền bởi giá cao hơn 60% so với ngày thường nhưng không thể không mua. "Không tìm được vé loại xe dưới 30 giường thì chọn 39 giường cũng được. Mua được vé đã là may mắn lắm" - chị Hồng nói.
Cấp tập tăng chuyến
Để chuẩn bị cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán, đại diện Bến xe Miền Đông mới cho biết dự kiến dịp Tết sẽ phục vụ khoảng 106.800 lượt khách 10 ngày trước Tết và 10 ngày sau Tết (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ). Trong đó, khách tăng cao từ ngày 2 đến 7-2 (23 đến 28 tháng chạp). Về giá vé, bến xe đề xuất các đơn vị phụ thu 20% - 60% bù chiều xe chạy rỗng trong thời gian phục vụ Tết.
Bến xe Miền Đông mới chiều 23-1.
Hiện nay, một số nhà xe đã mở bán vé Tết và nhiều đơn vị đã hết vé, phải bổ sung xe. Tuy nhiên, vé xe đi các tỉnh, thành miền Trung, miền Bắc của các đơn vị khác thì còn
Bến xe Miền Đông mới dự kiến lượng khách “bùng nổ” hơn thời điểm Tết năm ngoái
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho biết bến xe này dự kiến đón trên 780.000 lượt khách dịp Tết, tăng hơn 29% so với cùng kỳ. Cụ thể, lượng khách chủ yếu tập trung cao điểm các ngày 27, 28 và 29 tháng chạp với trung bình trên 45.000 lượt hành khách/ngày.
Về phương án bán vé, theo ông Phương, các tuyến đường khu vực miền Tây Nam Bộ tăng giá vé không quá 40% so với mức giá ngày thường, thời gian tăng giá trong 6 ngày gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết. Hiện nay, một số hãng xe thương hiệu cũng bán vé trước và hành khách đặt chỗ khá cao.
Ở ga Sài Gòn, không khí ít náo nhiệt nhưng qua các kênh bán vé khác, hàng trăm ngàn vé đã được mua. Ông Thái Văn Truyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn, thông tin đơn vị chính thức tổ chức chạy thêm 6 chuyến tàu từ TP HCM đi Hà Nội, Vinh, Phan Thiết và nối thêm toa tàu với hơn 7.000 chỗ. Như vậy, đến thời điểm này, công ty đã bổ sung 13.500 vé tàu Tết cho cả 2 chặng từ TP HCM đi Hà Nội và ngược lại.
Ông Truyền cho biết sau Tết vẫn còn vé ở tất cả các ngày. Trong đó, từ ngày 10 đến 13-2 và từ ngày 18-2 trở về sau (mùng 1 Tết đến mùng 4 và mùng 9 tháng giêng trở về sau) còn vé đi tất cả ga. Từ ngày 14 đến 17-2 (mùng 5 đến mùng 8 tháng giêng) thì ít vé.
Tính đến nay, sau hơn 2 tháng mở bán vé tàu Tết Giáp Thìn, Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã bán hơn 207.000 vé. Vé tàu trước Tết còn ở những ngày thấp điểm từ 18 đến 23 tháng chạp, ngoài ra vào những ngày cao điểm từ 23 đến 28 tháng chạp (từ ngày 2 đến 7-2), vẫn còn ít vé xuất phát từ ga Sài Gòn.
Vé sẽ được mở bán tại tất cả các kênh bán vé của ngành đường sắt như website: www.dsvn.vn; www.vetau.com.vn; qua các ứng dụng ví điện tử, app bán vé tàu trên thiết bị di động hoặc liên hệ tại nhà ga, điểm bán vé và các đại lý bán vé thuộc ngành đường sắt hoặc gọi tới các tổng đài bán vé.
Đề nghị địa phương phối hợp
Ở đường hàng không, nhiều người dân phản ánh giá vé máy bay Tết đắt, lại khó mua. Đại diện một hãng hàng không cho biết đã có sự chênh lệch quá cao so với cùng kỳ năm 2023 khi mặt bằng giá tăng từ 1% đến 9% tùy đường bay. Ví dụ, giá vé chặng TP HCM - Hà Nội tăng 1%, TP HCM - Đà Nẵng tăng 9%.
Theo các hãng bay, vé Tết từ TP HCM, Hà Nội đi sân bay nhiều địa phương hết sớm, riêng đường bay TP HCM - Hà Nội, tỉ lệ lấp đầy đang tăng dần. Thống kê đến ngày 18-2 cho thấy giai đoạn trước Tết, những chặng bay từ Hà Nội đều có lượng đặt chỗ cao, trong đó một số ngày gần cạn vé. Các chặng bay từ TP HCM cũng có tỉ lệ đặt chỗ tương tự.
Hành khách sử dụng đường hàng không dịp Tết năm nay tăng cao, đặc biệt đối với sân bay Tân Sơn Nhất
Cục Hàng không Việt Nam xác nhận số lượng chuyến bay, số lượng hành khách Tết Nguyên đán năm nay tăng cao hơn so với Tết Quý Mão 2023, đặc biệt đối với sân bay Tân Sơn Nhất.
Để đáp ứng tối đa và phục vụ tốt nhu cầu của người dân dịp cao điểm Tết, Cục Hàng không Việt Nam đã 2 lần điều chỉnh tăng tham số điều phối đường cất/ hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất vào các khung giờ ban ngày lên 46 slot/giờ, các khung giờ đêm lên 42 slot/giờ. Tính đến cuối tuần qua, các hãng hàng không Việt Nam đã bổ sung 118 chuyến bay, tương ứng gần 23.000 ghế, trên các đường bay từ TP HCM đến các sân bay địa phương khác.
Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Gia Lai về việc phối hợp tăng cường các biện pháp dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, cục kiến nghị UBND các tỉnh chỉ đạo sở giao thông vận tải rà soát, yêu cầu lập kế hoạch, tăng tần suất khai thác và tăng thời gian hoạt động của các chuyến xe buýt đi/đến sân bay, đặc biệt vào khung giờ ban đêm theo thời gian khai thác đêm của sân bay.
|
|