|
Liên tục tăng qua các năm.
Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân trong cùng kỳ. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên 10 tỷ USD.
Thực tế, kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá - lãi suất và lạm phát.
Kiều hối cả nước đạt kỷ lục 16 tỷ USD - Ảnh 1.
Lượng kiều hối về Việt Nam tăng mạnh qua các năm (ảnh: Như Ý).
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, lượng kiều hối về thành phố này trong năm 2023 ước đạt gần 9 tỷ USD , tăng 35% so với năm 2022. Đây là mức kiều hối cao nhất từ trước đến nay. Nếu so sánh với vốn FDI trong năm qua của TPHCM (3,4 tỷ USD) thì nguồn kiều hối chuyển về nước cao gần gấp 3 lần. Lượng kiều hối tại TPHCM các năm qua chiếm khoảng 55 - 60% tổng lượng kiều hối cả nước.
Các chuyên gia lý giải, hậu dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, các ngành nghề đều gặp phải sự sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu. Nhằm thúc đẩy sự hồi phục kinh tế, một số nước đã bắt đầu tháo gỡ các biện pháp thắt chặt về xuất nhập cảnh, các chính sách về y tế cũng dần được nới giãn.
Điều này đã giúp lượng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động tăng lên. Đây cũng là một phần lý do khiến lượng kiều hối tăng cao so với năm ngoái; đồng thời, dù kiều bào gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, song vẫn quan tâm, hướng về quê hương hỗ trợ giúp đỡ thân nhân và gia đình.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng về số lượng và mở rộng về thành phần. Hiện, cộng đồng có khoảng 6 triệu người ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Kiều bào tiếp tục có nhiều hoạt động hướng về quê hương, phát huy vai trò là nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.
Theo chuyên gia kinh tế - PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh, lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng gia tăng, trong đó năm 2022 tăng rất mạnh. Năm 2023, kinh tế toàn cầu đều khó khăn nên dòng tiền của người Việt về Việt Nam có sụt giảm là chuyện bình thường, nhưng ở mức 16 tỷ USD là rất cao.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, với bản chất là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của kiều bào, của người lao động ở nước ngoài chuyển về có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Xét ở góc độ nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, kiều hối có đặc điểm khác với các nguồn vốn khác: Không phải hoàn trả, không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay.
Một xu hướng đáng chú ý là nhiều người nhận kiều hối sẽ bán ra lấy VNĐ gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao, hoặc lấy vốn kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cuối năm, hay mua sắm, chi tiêu. Do đó, nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp tỷ giá USD/VNĐ ổn định, thậm chí giảm dịp cuối năm.
Để thu nguồn lực quý giá này, thời gian qua, các nhà băng đã triển khai nhiều chương trình với chính sách ưu đãi hấp dẫn thu hút kiều hối như Vietbank, Sacombank, Agribank, BIDV…
Kiều hối chuyển qua kênh chính thức còn giúp tổ chức tín dụng tiếp cận các hộ gia đình, cung cấp dịch vụ tài chính, tạo cơ hội cho họ quản lý tài chính cá nhân, hạn chế rủi ro tài chính. Trên cơ sở đó các tổ chức tín dụng sẽ phát triển mảng bán lẻ đến từng người nghèo ở khu vực nông thôn, thúc đẩy tiết kiệm, đầu tư hiệu quả từ nguồn kiều hối. |
|