|
HĐXX quyết định trả lại vợ chồng Trương Xuân Đước một phần số tiền đã đưa ông Đỗ Hữu Ca là 15/35 tỉ đồng.
Như PLO đã đưa tin, ngày 12-4, TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án hình sự mua bán hóa đơn, đưa - nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế đối với 13 bị cáo; trong đó có cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca.
Tại phần tuyên án, HĐXX cho biết, số tiền 35 tỉ đồng mà vợ chồng Trương Xuân Đước đưa cho ông Đỗ Hữu Ca, HĐXX đánh giá số tiền này nhằm lo lót, vụ lợi nên cần tịch thu vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, do vợ chồng Trương Xuân Đước đã có hành vi tự thú về việc hối lộ và khai báo số tiền này, vì vậy, HĐXX quyết định trả lại vợ chồng Trương Xuân Đước một phần số tiền là 15 tỉ đồng.
Từ đây, nhiều bạn đọc thắc mắc, vì sao là vật chứng của vụ án nhưng lại không bị tịch thu toàn bộ mà có thể được trả lại. Luật quy định ra sao về vấn đề này?
ao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Việt Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: HĐXX quyết định trả lại vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước 15 tỉ đồng là một phần trong số tiền 35 tỷ đồng dùng để đưa cho ông Đỗ Hữu Ca là có căn cứ và đúng pháp luật được quy định tại khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, quy định về Tội đưa hối lộ.
Cụ thể, khoản 7 quy định người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Cạnh đó, khoản 6 Điều 2 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn “Chủ động khai báo trước khi bị phát giác” là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà mình thực hiện.
Trong vụ án này, ngoài việc bị xét xử về tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, vợ chồng Trương Xuân Đước còn bị xét xử về tội đưa hối lộ.
Tuy nhiên khác với hành vi mua bán trái phép hóa đơn bị cơ quan chức năng phát hiện, hành vi đưa hối lộ được vợ chồng Trương Xuân Đước tự nguyện khai báo toàn bộ sự việc, số tiền đưa hối lộ mà mình đã thực hiện trước khi bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện nên thuộc trường hợp “người hối lộ đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác”. Do vậy, HĐXX tuyên trả lại một phần số tiền dùng để đưa hối lộ là có căn cứ và đúng pháp luật.
Ngoài ra, việc HĐXX quyết định trả lại số tiền 15 tỷ đồng tạo điều kiện để vợ chồng Trương Xuân Đước nộp tiền khắc phục hậu quả vào ngân sách nhà nước số tiền đã thu lợi bất chính từ hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ cũng như có thêm tình tiết để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt tại Tòa án cấp phúc thẩm nếu vợ chồng Trương Xuân Đước có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Người đưa hối lộ được trả lại một phần tiền
Trong vụ án buôn lậu 204 triệu lít xăng (TAND tỉnh Đồng Nai xét xử năm 2022), các bị can Nguyễn Hữu Tứ và Trần Ngọc Thanh đã có hành vi đưa hối lộ cho bị can Ngô Văn Thụy số tiền 10.000 USD và 1 thẻ ATM mang tên Nguyễn Hữu Tứ. Trong tài khoản có số dư 101 triệu đồng. Phan Thanh Hữu đưa hối lộ cho Nguyễn Văn Thụy 500 triệu đồng.
Bị can Ngô Văn Thụy bị buộc tội “Nhận hối lộ”. Nhưng các bị can có hành vi đưa hối lộ được xác định là trước khi hành vi đưa hối lộ bị phát giác, các bị can đã chủ động khai báo hành vi đưa hối lộ cho Ngô Văn Thụy nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai áp dụng điểm c, khoản 2 Điều 29, khoản 7 Điều 364 BLHS 2015 ra các quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, miễn trách nhiệm hình sự đối với Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ và Trần Ngọc Thanh về tội “Đưa hối lộ”; đồng thời trả lại 1 phần tiền đưa hối lộ cho bị can Hữu số tiền 250 triệu đồng, bị can Tứ số tiền 158 triệu đồng. |
|