Nhiều điểm cháy kéo dài từ khu vực chân đến đỉnh núi Cô Tô kèm theo nhiều tiếng nổ lớn nghi do bom mìn vào tối 27/4.
Lửa bất ngờ bùng phát tại nhiều điểm trên núi Cô Tô vào tối 27/4.
Tối 27/4, lửa bất ngờ bùng phát tại nhiều điểm trên núi Cô Tô (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang). Ghi nhận có hơn 10 điểm cháy kéo dài từ chân đến đỉnh núi Cô Tô kèm theo nhiều tiếng nổ lớn nghi do bom mìn.
Hiện các tuyến đường vào khu vực gần đám cháy đều được lực lượng chức năng chốt chặn, những người không phận sự được yêu cầu di chuyển đi nơi khác. Hiện lực lượng chức năng huyện Tri Tôn và tỉnh An Giang vẫn đang triển khai các biện pháp dập lửa.
Theo báo cáo của UBND huyện Tri Tôn, khoảng 10h ngày 26/4, ngọn lửa bùng phát trên núi Cô Tô (khu vực Kẹt Càng Đước, ấp Tô Thuận). Đám cháy lan nhanh do tình trạng khô hanh và gió, việc chữa cháy gặp khó khăn. Quân sự địa phương cùng ngành chức năng cử hơn 150 người, nhiều phương tiện chở nước (xe tải, xe máy) và 3 máy bơm nước để dập lửa.
Đến sáng 27/4, lực lượng chữa cháy gồm hàng trăm người tiếp tục triển khai dập lửa. Do núi có địa hình cao, dốc dựng đứng nên lực lượng chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường. Nhiều điểm cháy có địa hình hiểm trở, lực lượng chức năng phải dùng các thiết bị bay không người lái để vận chuyển nước phun vào đám cháy. Đến gần trưa cùng ngày, đám cháy được dập tắt. Tuy nhiên, đến tối nay thì lửa bất ngờ bùng phát trở lại.
Thất Sơn hay Bảy Núi là vùng đất núi đồi xen lẫn đồng bằng thuộc 4 huyện, thành phố của An Giang: TP Châu Đốc, các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn. Theo các nhà nghiên cứu, vùng Thất Sơn có 37 ngọn núi, đồi lớn nhỏ, rải rác với độ cao trung bình từ 50 đến 710 m.
Bảy ngọn núi đại diện cho cả vùng, gồm núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Dài Năm Giếng hay núi Dài nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn) và núi Nước (Thủy Đài Sơn).
Hàng trăm người được huy động, tiếp cận các điểm khói, dùng bình chữa cháy đeo vai, bình nước xách tay để dập lửa.
Lực lượng chữa cháy phải men theo các vách đá để tiếp cận điểm cháy
Lực lượng quân đội mang từng can nước đến khu vực cháy để dập lửa.
Nước từ chân núi bơm lên các thùng nước trên núi để lực lượng dùng để dập lửa.
Đường dây vận chuyển nước từ chân núi lên đến các khu vực xuất hiện điểm cháy
Lực lượng chữa cháy nghỉ ngơi sau thời gian căng mình dập lửa |