|
Người phụ nữ phải nhập viện trong tình trạng đau, cảm giác nghẹn, khó chịu sau khi nuốt phải hàm răng giả.
Mới đây, ekip điều trị một bệnh viện ở TPHCM đã tiến hành nội soi, lấy ra hàm răng giả dài khoảng 4cm nằm chắn ngang 1/3 giữa thực quản của bệnh nhân H. (79 tuổi, quê Long An).
Theo lời kể người nhà, trong lúc bà H. uống thuốc thì hàm răng giả không may bị rớt ra, khiến bà nuốt trôi vào thực quản. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân và nghe bệnh sử, các bác sĩ lập tức nội soi thực quản, lấy hàm răng giả kích thước khoảng 4cm nhiều cạnh sắc nhọn bị mắc kẹt ra khỏi cơ thể cụ bà.
Toàn bộ quá trình này được các bác sĩ thực hiện bằng dụng cụ chuyên dụng qua máy nội soi và sự hỗ trợ của gây mê giãn cơ. "Chúng tôi đã thao tác nhẹ nhàng để tránh tối đa những tổn thương niêm mạc thực quản", bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Ngọc Nhã , Trưởng khoa Nội soi cho biết.
Qua kiểm tra, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân xước nhẹ niêm mạc thực quản, không chảy máu. Hậu can thiệp, bà H. không còn đau và xuất viện ngay sau đó.
Theo bác sĩ Nhã, hằng năm, bệnh viện nơi vị này công tác tiếp nhận rất nhiều trường hợp hóc dị vật đường tiêu hóa, như xương cá, vỏ thuốc, tăm, răng giả, nắp chai, khuyên tai, dây chuyền....
Để tránh mắc phải dị vật, người dân nên cẩn thận khi ăn uống. Đối với những người có sử dụng răng giả thì càng nên cẩn trọng, nhất là răng giả đã dùng lâu ngày có thể bị mòn, không bám chặt vào hàm và có cạnh sắc nhọn, dễ rơi ra rồi lọt vào đường hô hấp, đường tiêu hóa rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến biến chứng tử vong.
"Tốt nhất, nên trồng răng cố định để hạn chế xảy ra sự cố như trên. Khi đã lỡ nuốt sặc hay hít sặc nên nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời", bác sĩ Nhã khuyến cáo.
Trước đó vào ngày 9/3, một cụ bà 68 tuổi ở tỉnh Sóc Trăng trong lúc ăn cơm đã không may nuốt cả hàm răng giả vào thực quản, gây đau, nghẹn và khó chịu. Tại bệnh viện, các bác sĩ khẩn trương gắp dị vật qua nội soi khẩn cấp trong buổi trưa cho bệnh nhân, lấy ra hàm răng giả dài khoảng 3cm, có móc kim loại sắc nhọn. |
|