|
Khi album mới nhất The Tortured Poets Department bị rò rỉ trước ngày ra mắt, ngay cả người hâm mộ cũng không thể phân biệt đâu là Taylor Swift, đâu là AI.
Ngày 18/4, Taylor Swift đã tung 6 giây MV Fortnight trên Instagram cá nhân, trở thành "phát súng" đầu tiên cho album The Tortured Poets Department ngay trước ngày ra mắt. Nhưng không bao lâu sau khi nữ ca sĩ chia sẻ, cộng đồng người hâm mộ lại nhận thêm một phen kinh ngạc. Toàn bộ album đã bị rò rỉ ngay trước thềm ra mắt.
Ngọn nguồn xuất phát từ một link Google Drive chứa 17 đoạn âm thanh. Mỗi đoạn được cho là một trích đoạn của một ca khúc trong album The Tortured Poets Department. Ngay lập tức, mạng xã hội chia thành 2 phe.
Một bên nói rằng người hâm mộ thực sự sẽ đợi đến khi album được phát hành chính thức, tức ngày 19/4. Nhóm còn lại không thể chờ đợi và nhấn nút “Play” bằng mọi cách. Điều đáng chú ý là trong phe thứ hai lại xuất hiện một nhóm nhỏ những người nghĩ rằng vụ rò rỉ album là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo.
AI khiến chúng ta không còn tin vào mắt hay tai mình
Mãi đến khi album chính thức được phát hành, mọi người mới ngỡ ngàng nhận ra rằng những bài hát này thực tế đều có thật. Họ cũng biết rằng những bài hát được rò rỉ cũng chỉ là một phần của album chứa tổng cộng 31 track và dài hơn 2 giờ của Taylor Swift. Nhưng những nghi vấn rằng vụ rò rỉ bắt nguồn từ AI vẫn là một điều đáng ngẫm nghĩ.
17 đoạn nhạc trích từ album đã bị rò rỉ trước ngày ra mắt thông qua đường link Google Drive.
Internet tràn ngập những tin giả do AI tạo ra. Chỉ trong vài năm, AI cùng với các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) đã trở thành cuộc đua mới của giới công nghệ, tạo ra những sản phẩm không tưởng, thậm chí thay thế người thật. Khi đó, xu hướng người nghe không tin vào tai mình và người xem không tin vào mắt mình là điều hiển nhiên.
Nhưng vấn đề lớn hơn cả cũng nằm ở đây. Giữ sự hoài nghi và kiểm chứng trước mọi thông tin là thói quen tốt, nhưng AI đã tràn lan đến mức bạn khó lòng phân biệt thật - giả.
Bạn không thích những gì đôi mắt trung thực của mình đang nhìn thấy? Chỉ cần thuyết phục bản thân rằng đó là sản phẩm AI.
“Tôi đã đã nghe bản rò rỉ của album The Tortured Poets Department. Thực sự nó buồn cười đến mức ngay cả người hâm mộ của Taylor Swift cũng không biết đó có phải là AI hay không. Tôi khá chắc chắn rằng chúng là thật, nhưng việc hàng loạt người hâm mộ phủ nhận khiến tôi suy nghĩ lại về tình yêu của họ dành cho cô ấy”, người dùng @tectonicromance nói.
Nhiều người hâm mộ tin rằng đây là sản phẩm của AI.
Điều khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn là AI đã phát triển đến mức việc sáng tác một album đồ sộ như The Tortured Poets Department dường như không nằm quá xa khả năng của nó.
Đơn cử như một phiên bản AI của Johnny Cash đã cover bản hit Blank Space của Taylor Swift.
Hay Heart on My Sleeve - một bài hát do AI tạo ra từ giọng hát của rapper Drake và The Weeknd năm 2023 - nghe giống thật một cách đáng kinh ngạc. Thu hút hơn 250.000 lượt nghe trên Spotify và 10 triệu lượt xem trên TikTok, bản nhạc AI gần với thực tế đến mức một số người nghĩ rằng đây là chiêu trò marketing của 2 nghệ sĩ.
Những nạn nhân của AI sao chép giọng hát
Không chỉ lần này, những cuộc tranh luận về AI trong giới âm nhạc chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng, khi công nghệ sao chép giọng nói tiếp tục được cải thiện và ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người.
Câu chuyện Taylor Swift và album bị rò rỉ chính là minh chứng rõ ràng nhất. Ngay cả những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất cũng khó có thể phân biệt ca sĩ yêu thích của mình với các sản phẩm của AI.
Nhiều ngôi sao hàng đầu, như Frank Ocean và Beyoncé, đã áp dụng các chính sách bảo mật mạnh mẽ với sản phẩm của mình. Ocean thậm chí còn mang theo ổ cứng vật lý chứa nhạc mình sáng tác để tránh bị rò rỉ, nhưng cuối cùng lại dẫn đến việc những người hâm mộ quá khích cố gắng để có được các bài hát mới.
Vụ rò rỉ album The Tortured Poets Department là bằng chứng mới nhất cho thấy sự nguy hiểm của AI đối với giới âm nhạc. Ảnh: Taylor Swift.
Chính điều này đã mở ra cơ hội cho những kẻ lừa đảo. Năm ngoái, một kẻ lừa đảo đã bán các bài hát do AI tạo ra cho người hâm mộ của Frank Ocean với giá hàng nghìn USD. Vài tháng sau, những đoạn trích được cho là cắt từ bài hát mới của Harry Styles và One Direction xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội. Người hâm mộ sẵn sàng chi đậm cho những đoạn nhạc này.
Tuy nhiên, nhiều người tranh cãi gay gắt rằng đó chỉ là trò lừa bịp. Theo 404 Media, ngay cả các công ty phân tích AI cũng không thể xác định liệu chúng có thật hay không.
Với một vài nghệ sĩ, những bản nhạc AI này đôi khi chỉ là một mối phiền hà vì chúng có chất lượng thấp và rất dễ phát hiện. Các công cụ AI vẫn chưa thể tái tạo toàn bộ âm sắc của một giọng hát đặc biệt hay các nốt luyến láy điêu luyện.
Nhưng các công cụ AI sẽ không ngừng cải tiến và tiến gần hơn với thực tế. OpenAI gần đây đã công bố demo Voice Engine, công cụ tạo ra giọng nói tự nhiên bắt chước người thật. Cùng lúc đó, các nhà nghiên cứu và công ty AI khác cũng đang chạy đua để tạo ra phần mềm phát hiện bản sao giọng nói, nhưng tỷ lệ thành công không quá cao. |
|