|
Tài nguyên đất và nước ví như đôi chân kiến tạo và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang làm nóng nghị trường Quốc hội.
Người dân huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đến các xe chở nước sạch miễn phí cung cấp cho bà con những ngày tháng 4 vừa qua
Cùng với sạt lở bờ sông, bờ biển, đường giao thông là sụt lún đất, hạn hán, xâm nhập mặn bủa vây, dân thiếu nước giữa vùng sông nước... đang đe dọa sự phát triển bền vững của vùng châu thổ phì nhiêu, rộng lớn nhất Đông Nam Á, vùng nông nghiệp và thủy sản trọng điểm của quốc gia, nguồn cung nông sản lớn cho các chuỗi nông sản toàn cầu.
Tài nguyên đất và nước ví như đôi chân kiến tạo và phát triển vùng ĐBSCL cũng đang làm nóng nghị trường Quốc hội.
Tham gia trả lời tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh với vai trò người đứng đầu ngành liên quan trực tiếp tài nguyên nước và là một người đồng bằng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc "cần có tuyên ngôn rằng chúng ta không phải dư thừa nước".
Vấn đề nước cần được tiếp cận đầy đủ trên ba góc độ là số lượng nước, chất lượng nước và sự hiện diện của nước để tránh tình trạng thiếu nước lợi mà thừa nước hại.
Thực tế ở nhiều nơi vừa quay quắt chống chọi với hạn hán, xâm nhập mặn bủa vây thì phải xoay qua lặn hụp đối phó với triều cường, phố ngập.
Các công trình thủy lợi đã tạo không gian, nguồn lực cho các ngành sản xuất, nông nghiệp, thủy sản phát triển, nhưng cũng có những "thủy hại" gây nhiều tiêu cực cần được loại trừ để tránh tổn thương đến tài nguyên nước.
Một "tuyên ngôn về nước" cần được tiếp cận hệ thống, đa ngành, tránh tình trạng "thiếu phối hợp, thừa chồng chéo", các xung đột lợi ích về mục đích sử dụng nước ngọt, nước mặn; nước cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản với nước cho sinh hoạt và giao thông; nước cho nhu cầu sản xuất công nghiệp với nước sinh thái đảm bảo môi trường và sự đa dạng sinh học.
Cần một chiến lược tổng thể "cân bằng nước", nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên đất và nước bền vững. Thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiêu dùng nước theo hướng phát triển nền công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch đang là đòi hỏi bức bách.
Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 tới cũng là một "tuyên ngôn về nước" cần được thực thi hiệu quả.
Việc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng và quản trị tài nguyên nước; phòng chống và khắc phục tác hại do nước cần được chuyển sang tư duy mới và hành động mới.
Việc đảm bảo an ninh nguồn nước cần được thực thi bằng cách xoay trục ưu tiên xã hội hóa, chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế, chứ không thể hao phí "của trời cho" đến mức lãng phí.
Đồng thời, phải đảm bảo nguyên tắc "an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý", ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Chúng ta đang sống trong "một kỷ nguyên khô hạn", hơn cả một tuyên ngôn, vấn đề nước mang tính sống còn, cần trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong nhiều quyết sách phát triển.
Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, sinh hoạt và tiêu dùng thích ứng trước những biến đổi của tài nguyên nước.
Ứng xử với nước còn là tiêu chuẩn đạo đức của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân. |
|