|
Sau nhiều tháng thu thập tài liệu chứng cứ, Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện đường dây lừa đảo quốc tế với thủ đoạn 'dùng người Việt lừa người Việt' hoạt động tại Khu kinh tế Tam Giác Vàng (tỉnh Bò Kẹo, Lào) nên đã phối hợp với Công an Lào phá án.
Các nghi phạm hoạt động lừa đảo bị công an bắt giữ
Đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và các đơn vị liên quan lên phương án triệt phá, bắt giữ 155 nghi phạm để điều tra.
Tổ chức tội phạm xuyên biên giới
Ngày 8-8, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lấy lời khai của các nghi phạm để hoàn tất hồ sơ, truy tố đường dây lừa đảo quốc tế sau khi các nghi phạm được di lý từ Lào về Việt Nam để điều tra.
Theo điều tra, từ năm 2023, các tổ chức, băng nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại khu vực Đông Nam Á có xu hướng di chuyển địa bàn hoạt động sang Lào. Các đường dây lừa đảo thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, địa điểm hoạt động, đồng thời không ngừng mở rộng quy mô tổ chức.
Để lừa các nạn nhân là người Việt Nam, chúng sử dụng chiến thuật "dùng người Việt lừa người Việt" nên đã lôi kéo, móc nối với các đối tượng là người Việt Nam đã từng tham gia các tổ chức lừa đảo qua mạng do người Trung Quốc cầm đầu. Chỉ trong một thời gian ngắn, những kẻ cầm đầu đã thiết lập một đường dây lừa đảo rộng lớn hoạt động tại Khu kinh tế Tam Giác Vàng.
Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm 2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh liên tục nhận được nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị lừa đảo với cùng phương thức với số tiền nhiều tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều gia đình cũng có đơn cầu cứu khi có người thân bị lừa bán sang Lào với lời hứa việc nhẹ lương cao nhưng khi sang đến nơi bị cưỡng bức tham gia thực hiện các hoạt động phạm tội.
Từ kết quả hoạt động xác minh các đơn thư nói trên, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã nhận diện một tổ chức tội phạm hoạt động xuyên biên giới liên quan đến nhiều loại tội phạm khác nhau như mua bán người, tổ chức người vượt biên trái phép, lừa đảo qua mạng với quy mô lớn nên đã xác lập chuyên án để triệt phá.
Tang vật của các nghi phạm sử dụng cho hoạt động lừa đảo bị công an thu giữ để phục vụ điều tra
Kịch bản lừa đảo công phu
Tại Khu kinh tế Tam Giác Vàng, đường dây lừa đảo hoạt động dưới danh nghĩa doanh nghiệp được cấp phép hợp pháp; được tổ chức bài bản theo mô hình một công ty có quy mô lớn với đầy đủ các bộ phận quản lý, điều hành, phân chia thành các tổ, nhóm, hoạt động theo quy chế, nội quy do các kẻ chủ mưu, cầm đầu đặt ra. Việc phân chia lợi ích theo lương tháng và phần trăm số tiền lừa đảo được.
Quá trình làm việc, những kẻ lừa đảo ăn ở, sinh hoạt, làm việc tập trung trong các tòa nhà cao tầng; được đào tạo, hướng dẫn để thực hiện theo các "kịch bản" đã được soạn thảo rất công phu, lập các tài khoản Facebook giả để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, các nghi phạm sử dụng tài khoản Facebook ảo, mạo danh là những người thành công, giàu có, doanh nhân thành đạt, thường xuyên đăng tải các hình ảnh ăn chơi, du lịch làm cho tài khoản ảo này giống thật để kết bạn, làm quen, tạo lòng tin với những người ở Việt Nam.
Các nạn nhân mà bọn chúng hướng đến sẽ là phụ nữ có điều kiện về kinh tế hoặc có nhiều mối quan hệ xã hội.
Với các "bẫy tâm lý" được dàn dựng tinh vi, chúng từng bước tạo dựng được các mối quan hệ tình cảm, gây dựng sự tin tưởng với các bị hại hoàn toàn thông qua các cuộc nói chuyện, trao đổi, tâm sự, chia sẻ. Sau khi đã tạo được lòng tin, chúng sẽ lôi kéo, rủ rê họ đầu tư kinh doanh trên mạng thông qua các ứng dụng để hưởng phần trăm hoa hồng cao, lợi nhuận.
Thời gian đầu, hoạt động này mang đến cho các bị hại những khoản lợi nhuận rất tốt nên ngày càng đầu tư số tiền lớn hơn. Đến khi các nạn nhân không còn tiền đầu tư thì kẻ lừa đảo sẽ "giết con mồi" bằng cách tạo ra nhiều lý do khác nhau để cắt liên lạc, từ đó chiếm đoạt tiền mà bị hại đã đầu tư vào. Với phương thức đó, trong hai năm hoạt động, tổ chức tội phạm quốc tế này đã thực hiện với hàng chục nghìn bị hại, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng.
|
|