|
“Khi nào còn nắng nóng, thì chúng tôi còn đi tuyên truyền”, anh Phạm Minh Đức, nhân viên EVN Hà Nội, nói khi được hỏi về việc nhân viên ngành điện mang loa “tuyên truyền dạo” khắp các tuyến phố, vào tận nhà vận động người dân tắt bớt thiết bị để tiết kiệm điện.
Người bạn gởi video ghi lại hình ảnh này cho tôi kèm bình luận: "Em cảm thấy khá tuyệt vọng với cách kêu gọi của họ". Tôi hoàn toàn đồng cảm với suy nghĩ đó.
Thực tế là, các "thượng đế" - khách hàng không có lựa chọn nào khác khi "ông nhà đèn" cắt điện "hầu hết các giờ trong ngày".
Việc thiếu điện này không phải "đùng một cái" xảy ra, mà đã được dự báo từ vài năm trước. Miền Trung và miền Nam lẽ ra cũng đã thiếu, nhưng "may mắn" (một cách chua chát) là "nhờ" suy thoái kinh tế, nên nhu cầu điện giảm đi.
Nắng nóng gay gắt kéo dài được chỉ ra là nguyên nhân đầu tiên gây thiếu điện. Thứ hai, là việc phát triển các nguồn điện mới phía Bắc chậm hơn nhu cầu tiêu thụ điện năng tại khu vực này. Thứ ba, năng lực của hệ thống truyền tải không theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của điện tái tạo ở miền Trung và miền Nam, tạo sức ép lên lưới truyền điện tải ra Bắc.
Tạm bỏ qua yếu tố thời tiết, tôi tự hỏi: liệu việc đầu tư phát triển nguồn cung điện và lưới truyền tải liên tục có đảm bảo giải quyết việc thiếu điện về lâu dài, và xa hơn là có đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia một cách bền vững hay không?
Để trả lời câu hỏi trên, tôi và các bạn sẽ nhìn vào bức tranh tổng thể nhu cầu và hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam.
Bài toán an ninh năng lượng của Việt Nam phải tìm được lời giải tối ưu đồng thời cho ba biến số: cung, cầu và cân đối cung - cầu, được hỗ trợ bằng khung thể chế và hành lang pháp lý. Bài viết này chỉ tập trung vào yếu tố cầu. Về cung và cân đối cung - cầu để đáp ứng đòi hỏi ngày càng tăng sản lượng điện gió và mặt trời phát lên lưới, xin hẹn bạn đọc trong một bài khác.
Một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu quả sử dụng điện của một quốc gia là cường độ sử dụng điện (electricity intensity), được đo bằng số kilowatt giờ (kWh) điện sử dụng để tạo ra một USD tăng trưởng GDP. Chỉ số này được tính bằng cách chia tổng lượng điện tiêu thụ cho tổng giá trị GDP của quốc gia trong cùng một năm. Cường độ sử dụng điện càng cao, hiệu quả sử dụng điện càng thấp.
Từ số liệu thống kê của WB và BP, tính toán của tôi cho thấy cường độ sử dụng điện của Việt Nam trung bình 10 năm qua (0,65 kWh/USD) cao gấp đôi so với mức trung bình của thế giới (0,31 kWh/USD).
Tỷ lệ này của Việt Nam gấp 1,2 lần so với Trung Quốc, gấp 1,4 lần Malaysia, 1,7 lần Thái Lan, 2,3 lần Philippines, 2,5 lần Indonesia, 3,1 lần Nhật Bản và gấp 4,3 lần Singapore.
Đáng lưu ý, chỉ số này đang có xu hướng gia tăng hoặc dao động ở mức cao, khi đạt mức 0,59 kWh/USD năm 2012 nhưng tăng lên 0,67 kWh/USD năm 2021.
Điều đó cho thấy Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào điện năng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi sử dụng điện không hiệu quả. Tôi gọi đây là cái "bẫy điện năng". Thuật ngữ này mô tả sự mắc kẹt của quốc gia về nguồn điện, gợi ý rằng bất kỳ thách thức nào liên quan đến nguồn cung và giá điện đều có thể tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương nền kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nếu không nhanh chóng thoát khỏi cái bẫy điện năng, Việt Nam sẽ chạy theo cái vòng luẩn quẩn thiếu điện, đầu tư nguồn và lưới điện, tăng trưởng, lại thiếu điện... như một căn bệnh kinh niên.
Để xảy ra tình trạng này, nguyên nhân sâu xa phải nói đến là việc duy trì giá điện sản xuất ở mức thấp nhất trong các nước châu Á, thông qua việc bù chéo giá điện mà tôi từng có dịp chỉ ra. Suốt 20 năm nay, người dùng điện sinh hoạt và kinh doanh phải trả giá điện cao hơn giá bình quân để hỗ trợ cho khối sản xuất công nghiệp. Điều phi lý là khối sản xuất công nghiệp tiêu thụ đến một nửa lượng điện năng của cả nước, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm một phần ba và điện dùng trong thương mại - dịch vụ chỉ chiếm 5%.
Hậu quả là Việt Nam từ lâu đã trở thành vùng trũng giá điện để từ đó những ngành công nghiệp thâm dụng điện nói riêng và thâm dụng năng lượng nói chung chảy vào đầu tư để tận dụng "lợi thế giá rẻ".
Tôi vẫn chưa thấy sự chuyển hướng rõ rệt về mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo hướng xanh và bền vững. Điển hình là việc đề xuất đầu tư nhà máy thép Lộ Diêu công suất 5,4 triệu tấn một năm ở Bình Định. Nếu đi vào vận hành, nhu cầu điện hàng năm cho nhà máy này có thể lên tới 3,78 tỷ kWh, đủ để cho Hà Nội xài thoải mái trong vòng 2 tháng.
Cả nước hiện có gần 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, trong đó có hơn 2.400 cơ sở công nghiệp, trong tổng số gần 860.000 doanh nghiệp. Tuy vậy, 3.000 cơ sở này đã tiêu thụ đến một phần ba lượng điện năng toàn quốc.
Nghĩa là, điện tiêu thụ chỉ từ 3.000 cơ sở này đã gần như tương đương điện tiêu thụ từ khoảng 25 triệu hộ dân cả nước. Chỉ cần tiết kiệm 10% điện năng từ những cơ sở này, cả nước có thể tiết kiệm hơn 8 tỷ kWh điện mỗi năm, đủ cho Hà Nội dùng trong suốt 4 tháng. Đó vẫn còn là con số khiêm tốn, vì WB ước tính rằng các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm năng lượng từ 25% đến 40%.
Do đó, kêu gọi người dân tắt bớt đèn và các thiết bị sử dụng điện không cần thiết là việc cần làm, nhưng đây có lẽ là giải pháp "khá tuyệt vọng" như bình luận của bạn tôi.
Tiết kiệm điện là trách nhiệm của tất cả mọi người, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu biết tập trung vào những nơi tiêu thụ điện trọng điểm với những chính sách và hành động quyết liệt và triệt để một cách có hệ thống.
Từ minh định mô hình tăng trưởng, lựa chọn thu hút đầu tư, thẩm định và sàng lọc công nghệ đầu tư theo hướng xanh và bền vững - với ưu tiên các ngành tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cho đến triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng có thực chất, đây mới là chìa khóa kiểm soát nhu cầu dùng điện tại Việt Nam.
Còn bây giờ, bạn tôi và phần lớn người dân miền Bắc phải kiên nhẫn chờ qua mùa nắng nóng.
|
|