|
Sáng 11/7, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Tô Lâm đã hạ cánh xuống thủ đô Viêng Chăn, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.
Đón Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Sân bay Wattay có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lào Khemmani Pholsena; Đô trưởng Viêng Chăn Atsaphangthong Siphandone; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Bounleua Phandanouvong; Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh; cùng một số lãnh đạo các đơn vị Bộ Ngoại giao Lào.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cũng có mặt tại sân bay đón Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Lễ đón Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam tại Sân bay Quốc tế Wattay.
Trong không khí thắm đậm tình hữu nghị, đại diện kiều bào và lưu học sinh Việt Nam tại Lào cũng như đông đảo các cháu học sinh và người dân Lào cầm quốc kỳ hai nước chào mừng Chủ tịch nước và đoàn tại sân bay.
Dự kiến trong thời gian thăm Lào, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ dự Lễ đón chính thức, hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, cũng như cùng chứng kiến Lễ ký văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Lễ đón Chủ tịch nước Tô Lâm tại Sân bay quốc tế Wattay
Chủ tịch nước cũng sẽ có các cuộc hội kiến với Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Lào; tiếp Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam; thăm hỏi các vị nguyên lãnh đạo cấp cao của Lào; dự chiêu đãi chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào; thăm Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Lào và một số hoạt động quan trọng khác.
Chủ tịch nước Tô Lâm rời Hà Nội, lên đường thăm Lào và Campuchia sáng 11/7
Chuyến thăm tới Lào và Campuchia trong các ngày 11-13/7 của Chủ tịch nước Tô Lâm được thực hiện theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni.
Tháp tùng Chủ tịch nước Tô Lâm trong chuyến đi có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải.
Cùng đoàn còn có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng; Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng; Trợ lý Chủ tịch nước Tô Ân Xô.
Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm kể từ khi giữ cương vị mới.
Lễ tiễn Chủ tịch nước Tô Lâm tại sân bay Nội Bài, Hà Nội
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, việc Chủ tịch nước thăm Lào và Campuchia trong chuyến công tác đầu tiên này có ý nghĩa to lớn, thể hiện thông điệp rất quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như của cá nhân Chủ tịch nước.
Đó là Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia.
Đây cũng là thông điệp khẳng định sự đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa ba nước. Theo đó, Việt Nam, Lào và Campuchia có sự gần gũi về địa lý, sự gắn kết về lịch sử văn hóa, ba đảng lãnh đạo ở ba nước có chung một nguồn gốc là Đảng Cộng sản Đông Dương.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đánh giá đây là dịp thuận lợi để lãnh đạo cấp cao các nước cùng rà soát thỏa thuận cấp cao, lĩnh vực hợp tác quan trọng và đề ra phương hướng hợp tác thời gian tới.
"Chuyến thăm chắc chắn sẽ tạo xung lực mới, nhằm phát triển sâu sắc hơn, toàn diện hơn và mạnh mẽ hơn mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói. |
|