Thủ tướng Kishida xin lỗi nhóm người dân từng bị cưỡng bức triệt sản theo luật ưu sinh kéo dài hàng thập kỷ, sau chiến dịch đòi công lý của họ.
Luật Bảo vệ Ưu sinh có hiệu lực ở Nhật Bản từ năm 1948 đến 1996 cho phép chính quyền cưỡng bức triệt sản đối với người khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, mắc bệnh tâm thần, rối loạn di truyền và bệnh phong. Luật cũng cho phép cưỡng bức phá thai nếu cha hoặc mẹ thuộc diện trên. Ít nhất 25.000 người đã bị triệt sản theo luật ưu sinh.
"Hôm nay tôi quyết định gặp mọi người để đích thân bày tỏ sự ăn năn và xin lỗi về những đau đớn thể chất và tinh thần mà nhiều người đã phải chịu đựng do Luật Bảo vệ Ưu sinh trước đây", Thủ tướng Fumio Kishida phát biểu trong cuộc gặp những người bị ép triệt sản còn sống tại Văn phòng Thủ tướng ở Tokyo ngày 17/7.
Khoảng 130 người bị ép triệt sản tham gia cuộc gặp với Thủ tướng, nhiều người trong số họ đã già và phải ngồi xe lăn.
Theo Thủ tướng Kishida, luật này vi hiến, vi phạm nhân quyền và phẩm giá con người, đồng thời lệnh cho chính quyền chuẩn bị kế hoạch bồi thường mới cho các nạn nhân.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) gặp những người từng bị cưỡng bức triệt sản tại Văn phòng Thủ tướng ở Tokyo ngày 17/7. Ảnh: AFP
Những người từng bị cưỡng bức triệt sản đã đệ đơn kiện luật ưu sinh và giành chiến thắng lớn hồi đầu tháng này, khi Tòa án Tối cao Nhật Bản yêu cầu chính phủ bồi thường 16,5 triệu yên (khoảng 105.000 USD) cho mỗi nguyên đơn trong một số vụ kiện và 2,2 triệu yên (14.000 USD) cho vợ hoặc chồng của họ.
Các nguyên đơn và người ủng hộ họ lập luận rằng mức bồi thường 3,2 triệu yên (khoảng 20.000 USD) trước đây của chính phủ là quá thấp.
Nguyên đơn Kikuo Kojima cho biết năm 19 tuổi, ông bị đưa đến bệnh viện vì bị coi là tâm thần phân liệt và buộc phải phẫu thuật triệt sản. "Tôi sẽ không bao giờ quên được việc đó", ông nói.
Các nguyên đơn khác cho hay họ phải nằm liệt giường suốt nhiều năm sau ca phẫu thuật, đối mặt với sự phân biệt đối xử cả đời, không thể làm việc do tổn hại về thể chất và tinh thần, chỉ mong muốn cơ thể trở lại trạng thái "ban đầu".
Theo các học giả và hiệp hội y tế Nhật Bản, Nhật Bản từng trải qua thời kỳ bùng nổ tỷ lệ sinh sau Thế chiến II, khiến chính quyền lo ngại, trong bối cảnh họ phải vật lộn để đối phó tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng trên toàn quốc và nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá.
Chính phủ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp kiểm soát dân số, trong đó có chiến dịch quốc gia nhằm thúc đẩy biện pháp tránh thai, và Luật Bảo vệ Ưu sinh "cho phép phá thai và triệt sản". Những biện pháp này được mô tả là "chính sách của chính phủ trong lĩnh vực dân số" trong báo cáo năm 1972 của Viện Các vấn đề Dân số do chính phủ điều hành, nhằm "ngăn chặn sự gia tăng số lượng trẻ em chất lượng kém và để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người mẹ".
Các nguyên đơn yêu cầu Nhật đưa ra luật bồi thường để mang lại lợi ích cho tất cả nạn nhân, gồm cả những người chưa đệ đơn kiện. Họ cũng kêu gọi các cơ quan chức năng nhanh chóng kết luận các vụ kiện liên quan đang diễn ra, nhấn mạnh rằng hầu hết nguyên đơn đều đã đi đến giai đoạn cuối đời.
"Tôi đã nghe lời xin lỗi trực tiếp của Thủ tướng với các nạn nhân, nhưng tôi nghĩ chúng ta lẽ ra có thể nghe sớm hơn", Koji Niisato, luật sư của nguyên đơn, cho biết. "Hôm nay tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ lắng nghe hoàn cảnh thực tế của các nạn nhân và tiếng nói thực sự của họ, cố gắng hết sức để đạt được giải pháp toàn diện cho họ".
Một số nguyên đơn cho biết họ không hoàn toàn hài lòng với lời xin lỗi của chính phủ cũng như phán quyết của Tòa án Tối cao. "Cuộc sống của chúng tôi thực sự khó khăn trong suốt thời gian dài và ngay cả sau khi nghe bản án, tôi vẫn không thể an lòng", một người cho hay.
Đức và Thụy Điển từng thực hiện chính sách ưu sinh tương tự, nhưng sau đó đã xin lỗi nạn nhân và bồi thường. Cả hai nước bãi bỏ luật ưu sinh nhiều năm trước khi Nhật Bản thực hiện động thái này năm 1996. |