|
Theo khảo sát, 30% người nói rằng không ủng hộ việc cho hay nhận tiền vì thấy đôi bên đều áp lực. Và có 10% người khẳng định số tiền lì xì tỷ lệ thuận với độ chân thành của người tặng.
Dịp Tết Nguyên đán, người dân ở các quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore có truyền thống tặng tiền mừng tuổi. Dù tên gọi và cách thức trao tặng có chút khác nhau ở mỗi nước, lì xì đều mang ý nghĩa chung là cầu mong sự may mắn, bình an cho người thân yêu trong năm mới.
Tuy nhiên, việc tặng lì xì đôi khi biến tướng, trở thành thước đo của lòng yêu quý hay mức độ tôn trọng. Năm nay, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì việc mừng lì xì bao nhiêu đang trở thành áp lực đối với nhiều người.
"Tẽn tò" bị chê lì xì ít
Chị Phạm Hồng (30 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ câu chuyện đáng buồn của mình vào dịp Tết. Chị cho biết, Tết năm 2023 vừa qua, chị dự tính sẽ mừng con cháu trong nhà (con anh trai ruột, con chị chồng) 100 nghìn đồng. Còn các cháu trong họ hàng thì chỉ mừng 20 nghìn đồng.
"Biết là số tiền 20 nghìn đồng so với hiện nay thì chẳng đáng là bao, nhưng kinh tế mình còn eo hẹp, tết nhất lại phải lo đủ thứ nên không thể mừng được cao hơn. Để cho đỡ ngại, mình bỏ hết tiền vào phong bao lì xì.
Vậy mà có một đứa trẻ đã bóc ngay trước mặt mình và mọi người, sau đó nó chê 20 nghìn ít quá, cháu chẳng lấy đâu", chị Hồng kể.
Trước tình huống khó xử này, chị không biết phải làm gì, chỉ biết cười trừ cho qua. Còn bố mẹ bé cũng xấu hổ không kém, vội vàng nhặt phong bao lên rồi nói lời cảm ơn chị Hồng.
Cũng đang trong tình trạng buồn phiền vì tiền lì xì, anh Lâm (28 tuổi, Hà Nội) băn khoăn không biết mừng tuổi bao nhiêu cho mọi người mới là hợp lý.
Anh Lâm cho biết: "Năm nay công ty mình cắt tiền thưởng Tết nên bỗng dưng khoản chi cho ngày Tết mất đi một nửa. Hàng năm tiền lì xì cho bố mẹ, ông bà và các cháu cũng tốn kha khá, bởi bây giờ mọi người thường nhìn vào số tiền mình bỏ ra để đánh giá xem mình có chân thành hay không.
Có lần mình mừng nhiều thì họ khen mình sộp quá, yêu chú Lâm nhất. Năm khác tiền ít thì họ lại bảo giàu mà keo kiệt. Vậy nên Tết không hề vui vẻ như mình mong và lì xì không đơn giản chỉ mang ý nghĩa chúc may mắn như lời đồn đại trong truyền thuyết", anh Lâm chia sẻ.
Lì xì trở thành gánh nặng
Tờ Korea Hearald trích dẫn cuộc khảo sát do SK Communications thực hiện với 6.000 người trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 60 ở Hàn Quốc cho thấy: 30% người nói rằng không ủng hộ việc cho hay nhận tiền vì thấy đôi bên đều áp lực.
Có 15% người tham gia khảo sát cho rằng trao lì xì là truyền thống lâu đời nên không thể để mai một, nhưng người lớn chỉ cần lì xì khoảng 10.000 won là đủ để bày tỏ thành ý.
Và có 10% người khẳng định số tiền lì xì tỷ lệ thuận với độ chân thành của người tặng.
|
|