Nam sinh 21 tuổi Zulfarhan bị nhóm bạn cùng ký túc xá tra tấn bằng bàn ủi nóng để bắt nhận ăn trộm laptop, khiến tử vong vì vết thương quá nặng, năm 2017.
Ngày 23/7, sau khi biết tin những kẻ sát hại con trai mình bị kết án tử hình, bố mẹ của Zulfarhan Osman Zulkarnain quỳ trước cửa tòa án, vừa khóc vừa không ngừng dập đầu. Trên người họ mặc chiếc áo phông in dòng chữ tiếng Anh "Công lý cho Zulfarhan" và "Nói không với bắt nạt".
Bố mẹ Zulfarhan xúc động khi biết những kẻ giết con mình bị kết án tử hình. Ảnh: Bernama
Tháng 5/2017, Zulfarhan, học viên hải quân 21 tuổi của Đại học Quốc phòng Malaysia (UPNM), bị các bạn học tra tấn dẫn đến tử vong. Năm 2021, Tòa án cấp cao Kuala Lumpur kết tội ngộ sát với sáu thủ phạm chính, tuyên phạt 18 năm tù. Tuy nhiên bố mẹ Zulfarhan kháng cáo, yêu cầu án tử hình.
Kể từ khi khởi tố, vụ án bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như dịch bệnh Covid-19, phải đến ngày 23/7/2024, Tòa phúc thẩm Putrajaya mới đưa ra phán quyết. Tòa phúc thẩm đã lật lại bản án ngộ sát trước đó và kết án sáu bị cáo về tội giết người, tuyên tử hình.
Suốt bảy năm kể từ khi vụ việc xảy ra, bố mẹ của sáu thủ phạm chưa bao giờ xin lỗi bố mẹ Zulfarhan, dù thường xuyên gặp tại tòa án.
Cuộc bạo lực được che đậy trong ký túc xá
Ngày 21/5/2017, Zulfarhan tuyệt vọng kêu cứu trong phòng 410, ký túc xá Đại học Quốc phòng Malaysia. Nam sinh bị cáo buộc ăn trộm máy tính xách tay của một bạn học, sau đó bị tra tấn vì một mực phủ nhận.
Để buộc Zulfarhan thừa nhận hành vi trộm cắp, nhóm này không ngừng gia tăng mức độ ngược đãi. Khoảng 20-30 học sinh tham gia vụ bạo lực kéo dài suốt hai ngày.
Theo hồ sơ tòa án, bố của một kẻ bắt nạt tự nhận là phù thủy, sử dụng đồ vật để làm phép, sau đó nói nhận được "chỉ dẫn từ thần linh" rằng kẻ trộm laptop là Zulfarhan, nhiều sinh viên tin vào điều hoang đường này.
Muhammad Aiman Aufa, bạn của Zulfarhan, khai trước tòa rằng vào ngày 22/5/2017, anh ta nhìn thấy Zulfarhan nằm trên giường trong ký túc xá, toàn thân đầy vết phồng rộp và đốm đen. Vì bôi thuốc khi tỉnh táo quá đau đớn, Zulfarhan xin người khác đợi đến khi mình ngủ say rồi hẵng bôi thuốc.
Sau khi biết Zulfarhan bị tra tấn, Aufa lén đặt hai bức thư nặc danh trong khu vực văn phòng của các quản lý cấp cao ở trường đại học, cố gắng cho họ biết chuyện gì đã xảy ra với Zulfarhan. Bức thư có nội dung: "Nếu còn nhân tính, hãy đột kích phòng 410, nơi đó có người cần được cấp cứu".
Đáng tiếc, hai bức thư nặc danh này không những không được quản lý nhà trường coi trọng mà còn bị phơi bày trong các hội nhóm của trường. Sau khi biết được sự việc, nhóm bắt nạt nhanh chóng chuyển Zulfarhan ra khỏi phòng 410. Aufa không dám tiếp tục hành động vì lo sợ bị bắt nạt như Zulfarhan.
Trước tòa, Aufa cảm thấy tự trách vì không thể cứu bạn: "Nếu biết cậu ấy sẽ chết, tôi nhất định sẽ đưa cậu ấy đến bệnh viện".
Bác sĩ Azfar Hussin tiết lộ rằng Zulfarhan đã đến phòng khám hai lần cùng với Azamuddin và những người khác trước khi chết. Không biết nội tình nên ông từng hiểu nhầm kẻ bắt nạt là bạn của nạn nhân.
Lần đầu tiên nhìn thấy Zulfarhan, Hussin bị sốc vì tình trạng vết thương, khuyên đến bệnh viện lớn để điều trị. Khi đó, bác sĩ đã viết giấy chuyển viện cho Zulfarhan nhưng bị kẻ bắt nạt từ chối. Những người này nói dối rằng Zulfarhan bị thương do một vụ nổ trong quá trình huấn luyện ở doanh trại.
Bốn ngày sau, vào 31/5/2017, nhóm Azamuddin lại đưa Zulfarhan đến phòng khám của Hussin. Lúc này, vết thương của Zulfarhan đã trở nên nghiêm trọng hơn, trông yếu ớt, mệt mỏi và mất nước. Bác sĩ một lần nữa yêu cầu chuyển Zulfarhan đến bệnh viện lớn, nhưng kẻ bắt nạt và cả chính Zulfarhan đều không nghe theo lời khuyên.
Nỗi lo lắng của Hussin nhanh chóng trở thành sự thật. Một ngày sau khi rời phòng khám, Zulfarhan gục ngã trong ký túc xá. Lúc này, nhóm Azamuddin cuối cùng cũng chịu đưa nạn nhân đến bệnh viện, nhưng đã quá muộn. |