Toàn cảnh tăng trưởng GDP năm 2023 của ASEAN-6: Philippines top 1

[Sao chép liên kết]
Linda Đã xuất bản vào 2024-2-19 15:30:08 | Hiển thị tất cả các tầng |Chế độ đọc
Linda
2024-2-19 15:30:08 163 0 Nhìn thấy tất cả
Toàn cảnh tăng trưởng GDP năm 2023 của ASEAN-6: Philippines top 1, Việt Nam xếp thứ mấy?

Mới đây, quốc gia cuối cùng trong khối ASEAN-6 đã công bố công bố tăng trưởng kinh tế năm 2023. Như vậy, với tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05%, Việt Nam sẽ xếp thứ mấy trong nhóm các nước ASEAN-6?

Cơ quan Thống kê Philippines cho biết, do lạm phát gia tăng và lãi suất tăng làm giảm sức chi tiêu của các hộ gia đình, tăng trưởng GDP của Philippines năm 2023 chỉ đạt 5,6% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với con số 7,6% hồi năm năm 2022 và không đạt mục tiêu 6%-7% của Chính phủ.

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng ING (Manila), ông Nicholas Antonio Mapa, nếu lãi suất không tăng mạnh, tăng trưởng kinh tế của Philippines có thể cao hơn con số 5,6%.

Kinh tế trưởng tại China Banking Corp. (Manila), ông Domini Velasquez dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Philippines sẽ cao hơn vào năm 2024 do lạm phát giảm tốc và Ngân hàng Trung ương Philippines có thể cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay.

"Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng nền kinh tế vẫn sẽ phải đối mặt với những cơn gió ngược như suy thoái kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị gia tăng", vị chuyên gia này lưu ý.

Việt Nam

Đối với Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 của Việt Nam ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.

Tính riêng quý 4/2023, GDP của Việt Nam ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý 4 các năm 2012-2013 và 2020-2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý 1 tăng 3,41%, quý 2 tăng 4,25%, quý 3 tăng 5,47%).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%, đóng góp 7,51% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%, đóng góp 42,58%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%, đóng góp 49,91%.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%).

Indonesia

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê Indonesia, tăng trưởng GDP năm 2023 của quốc gia này đạt 5,05%, thấp hơn con số 5,31% mà quốc gia này đã đạt được vào năm 2022. Nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP năm 2023 của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á giảm so với năm 2022 là do giá hàng hóa giảm và nhu cầu bên ngoài yếu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của quốc gia này chỉ ghi nhận tăng 1,32%, thấp hơn rất nhiều so với kết quả 16,32% mà Indonesia đã đạt được trong năm 2022.

Capital Economics dự báo tăng trưởng GDP của Indonesia sẽ vào khoảng 4,5% trong năm 2024. Theo chuyên gia kinh tế Ankita Amajuri, giá hàng hóa thấp và nhu cầu toàn cầu yếu hơn đã đè nặng lên xuất khẩu của Indonesia trong năm 2023.

"Chúng tôi dự báo tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục gặp khó khăn và giá hàng hóa vẫn ở mức thấp, điều này có thể sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu của Indonesia trong thời gian tới", vị chuyên gia nhận định.

Còn theo ông Tadashi Morishima, cố vấn ngân quỹ tại Ngân hàng MUFG ở Jakarta: "Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và nhu cầu toàn cầu không chắc chắn, xuất khẩu của Indonesia khó có thể trở thành động lực tăng trưởng vào năm 2024. Câu hỏi đặt ra là liệu tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư tư nhân có thể được duy trì hay phát triển hay không".

Malaysia

Theo Cơ quan Thống kê Malaysia, trong năm 2023, tăng trưởng GDP của Malaysia ước đạt 3,8%. Trong đó, ngành Dịch vụ tăng trưởng 5,4%, tiếp theo là ngành Xây dựng (5,8%) và Sản xuất (0,8%). Cơ quan Thống kê Malaysia nhận định, kết quả tăng trưởng khiêm tốn của quốc gia chỉ trong năm 2023 bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm xuất khẩu hàng hóa do nhu cầu toàn cầu yếu và giá hàng hóa thấp. Tính riêng trong quý 4/2023, GDP Malaysia ước tính tăng 3,4% so với cùng kỳ.

"Chúng tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế Malaysia vẫn sẽ tương đối yếu trong thời gian tới do lãi suất tăng, thị trường lao động ảm đạm, nhu cầu nước ngoài yếu và giá hàng hóa giảm gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông Shivaan Tandon, chuyên gia kinh tế của Capital Economics cho biết.

Thái Lan

Theo Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC), tăng trưởng GDP Thái Lan năm 2023 đạt 1,9%, thấp hơn mức tăng trưởng 2,5% của năm 2022 do xuất khẩu yếu. Tính riêng quý 4/2023, GDP của Thái Lan tăng 1,7% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng 1,5% mà quốc gia này đã đạt được trong quý 3/2023.

Ông Enrico Tanuwidjaja, chuyên gia kinh tế tại UOB, cho biết: "Tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Thái Lan sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi của nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa và dịch vụ của quốc gia này, tiêu dùng tư nhân ổn định…".

"Tuy nhiên, sự phục hồi có thể bị cản trở bởi những rủi ro suy thoái xuất phát từ xung đột địa chính trị, một số nền kinh tế lớn trên thế giới suy thoái mạnh hơn dự kiến cũng như sự phục hồi kinh tế không chắc chắn của Trung Quốc", vị chuyên gia nói thêm.

Singapore

Theo công bố của Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, nền kinh tế Singapore đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP đạt 1,2% trong năm 2023.

Tính riêng quý 4/2023, theo MTI, tăng trưởng GDP của Singapore đạt 2,8%. MTI nhận định, kết quả tăng trưởng GDP của Singapore thấp hơn mức 3,6% của năm 2022, nguyên do bởi nhu cầu hàng hóa yếu từ các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của quốc gia này.

Singapore dự kiến, tăng trưởng GDP của quốc gia này năm 2024 sẽ ở mức từ 1%-3% với kỳ vọng về sự phục hồi của ngành bán dẫn và các mặt hàng xuất khẩu khác.

Nikkei Asia đánh giá, nhu cầu toàn cầu yếu đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của các quốc gia định hướng xuất khẩu ở Đông Nam Á. Theo đó, mức tăng trưởng GDP của Malaysia, Singapore và Việt Nam trong năm 2023 thấp hơn so với những năm trước đó do các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ và nền kinh tế Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước trong khu vực, có xu hướng đi xuống.

Trong năm 2022, Malaysia là quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực ASEAN-6, với tăng trưởng GDP đạt 8,7%. Với tăng trưởng GDP ở mức 8,02%, kinh tế Việt Nam đứng thứ hai trong khối các nước ASEAN-6. Đứng thứ ba là Philippines với GDP năm 2022 tăng 7,6% so với cùng kỳ. Theo sau là Indonesia, Singapore và Thái Lan, với tăng trưởng GDP lần lượt đạt 5,31%, 3,8% và 2,6%.

Như vậy, nếu so với năm 2022, thứ hạng về tăng trưởng GDP của các nước ASEAN-6 đã có sự thay đổi trong năm 2023. Cụ thể, trong năm 2023, Philippines là quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực ASEAN-6, với tăng trưởng GDP đạt 5,6%. Với tăng trưởng GDP năm 2023 cùng đạt mức 5,05%, Việt Nam và Indonesia là hai nền kinh tế có tăng trưởng GDP cao thứ hai trong khối các nước ASEAN-6.  

Theo sau là Malaysia với tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 3,8% so với cùng kỳ. Xếp vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt là Thái Lan và Singapore, với tăng trưởng GDP lần lượt đạt 1,9% và 1,2%.

Bài đăng này chứa nhiều tài nguyên hơn

Bạn cần đăng nhập Bạn có thể tải xuống hoặc xem. Bạn chưa có tài khoản? {Array[' reglinkname']

×
  • bạn có thể quan tâm
Bạn cần đăng nhập trước khi có thể trả lời đăng nhập | Đăng ký ngay

Phiên bản quy tắc tính điểm này Danh sách trả lại

Linda Bảo mật
Thành viên cao cấpThư riêng

Xem:163 | Trả lời:0

Chúng tôi đã tổng hợp tất cả thông tin cần thiết cho cuộc sống và du lịch tại Philippines
About US
Hợp tác quảng cáo
liên hệ chúng tôi
Tham gia cùng chúng tôi
Đề xuất trang web

Việc kinh doanh

dịch vụ khách hàng

Nhóm chính thức

Trang thông tin cộng đồng Việt Nam lớn nhất tại Philippines.
Trả lời nhanh Trở về đầu trang Danh sách trả lại