|
Một nạn nhân người Việt trốn thoát khỏi trung tâm lừa đảo ở Manila đã hỗ trợ giới chức Philippines lên kế hoạch triệt phá, giải cứu gần 900 người từ cơ sở này.
Cảnh sát Philippines ngày 14/3 thông báo bóc gỡ đường dây ép buộc người lao động nước ngoài thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo trực tuyến tại một khu phức hợp phía bắc thủ đô Manila.
Khu phức hợp này rộng 10 ha, gồm 36 tòa nhà văn phòng, ký túc xá, tọa lạc tại thành phố Bamban, là địa bàn hoạt động của công ty sòng bạc trực tuyến Zun Yuan.
Winston Casio, phát ngôn viên Ủy ban Chống tội phạm có tổ chức của Tổng thống Philippines (PAOCC), cho biết chiến dịch triệt phá đường dây lừa đảo được cảnh sát lên kế hoạch tiến hành sau khi nhận được thông tin của một thanh niên Việt Nam trốn thoát khỏi khu phức hợp.
Thanh niên ngoài 30 tuổi này đến Philippines hồi tháng 1, sau khi được nhận làm công việc đầu bếp. Nhưng khi đến khu phức hợp, anh sớm nhận ra bản thân cùng hàng trăm người khác đã trở thành nạn nhân buôn người, bị ép tham gia các hoạt động lừa tình, lừa tiền trực tuyến.
Họ phải đóng giả là người có thu nhập cao, gửi tin nhắn tán tỉnh đến các nạn nhân, chủ yếu là người Trung Quốc, bắt đầu bằng những câu thoại kiểu như hỏi họ ngày hôm đó thế nào, họ vừa ăn món gì. Những người bị ép làm công việc lừa đảo này còn gửi ảnh chân dung của mình cho nạn nhân để "thúc đẩy quan hệ".
Ông Casio cho hay những kẻ điều hành trung tâm lừa đảo nhắm đến những người có gương mặt khả ái để đưa vào đường dây. Sau khi làm quen, tán tỉnh nạn nhân, họ phải tìm cách thuyết phục nạn nhân đổ tiền đầu tư vào những nền tảng ảo.
Ngày 28/2, thanh niên Việt Nam trèo tường, vượt sông trốn khỏi khu phức hợp, tìm đến một trang trại xin ẩn náu. Chủ trang trại sau đó trình báo với cảnh sát.
Đầu tháng 3, ông Casio đến trang trại gặp thanh niên Việt Nam, phát hiện dấu hiệu anh này bị tra tấn, trong đó có những vết sẹo, vết bỏng do điện giật. PAOCC đã đưa anh đến "nhà an toàn" ở Manila và mở cuộc điều tra. Danh tính người này không được giới chức Philippines công bố.
Đại sứ quán Malaysia tại Manila khi đó cũng cung cấp thêm cho PAOCC về thông tin một công dân nước này bị giam giữ, buộc làm việc bên trong khu phức hợp. "Lời khai của thanh niên Việt Nam và thông tin từ đại sứ quán Malaysia là cơ sở để Philippines mở chiến dịch triệt phá khu phức hợp", ông Casio cho biết.
Quân đội, cảnh sát Philippines sau đó phối hợp đột kích vào khu phức hợp, giải cứu 432 công dân Trung Quốc, 371 người Philippines, 57 người Việt Nam, 8 người Malaysia, 3 người Đài Loan, 2 người Indonesia và 2 người Rwanda.
Các lao động cho biết họ thường xuyên bị đe dọa, đánh đập, cấm ngủ, biệt giam nếu không thực hiện các chiêu lừa đảo hoặc không đạt chỉ tiêu. Họ bị khống chế bằng cách tịch thu hộ chiếu. Một số người đã cố gắng trốn thoát nhưng luôn bị bắt lại.
Cảnh sát Philippines bắt 8 nghi phạm với cáo buộc buôn người, giam người trái phép, đồng thời tịch thu nhiều súng, đạn trong khu phức hợp.
Ông Casio cho hay cuộc điều tra vẫn trong giai đoạn đầu, bởi hầu hết nạn nhân được giải cứu "vẫn còn run rẩy". Cục Di trú Philippines sẽ điều tra tình trạng nhập cư của các nạn nhân. Những người có visa làm việc sẽ bị hủy visa và trục xuất về nước.
PAOCC cũng yêu cầu giới chức rút giấy phép hoạt động trong lĩnh vực đánh bạc trực tuyến của công ty Zun Yuan. Đây là một trong 105 nhà cung cấp dịch vụ đánh bạc trực tuyến được cấp phép ở Philippines.
Giới chức cũng sẽ định giá tài sản của công ty này. "Đây là khu đất rất lớn, rộng 10 ha, có 36 tòa nhà cao 3-7 tầng. Tài sản thực sự rất lớn", ông Casio nói, lưu ý chiến dịch đột kích ngày 14/3 là vụ triệt phá lớn nhất từ trước đến nay, tính theo diện tích đất và tài sản.
Các trung tâm lừa đảo là một vấn nạn nhức nhối ở Đông Nam Á. Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm, hoạt động lừa đảo đang thu về số tiền hàng tỷ USD mỗi năm. Văn phòng ước tính hàng trăm nghìn người trên toàn thế giới đang bị giam ở Đông Nam Á, bị ép buộc tham gia các hoạt động lừa đảo. |
|