|
Gần 1 năm qua, những hộ dân chưa được di dời sau vụ sạt lở ở bờ kênh Thanh Đa (TPHCM) vẫn đang sống thấp thỏm trong những căn nhà chờ sập.
Ám ảnh những vết nứt
4h ngày 24/6/2023, bà Nguyễn Thị Công (83 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) đang ngủ thì chợt nghe tiếng động lớn khiến tim bà như muốn "nhảy ra khỏi lồng ngực". Lúc này, bà Công giật mình, chạy ra phía trước thì thấy căn nhà đối diện của con gái đã bị nước của bờ kè Thanh Đa nuốt chửng.
Căn nhà của con gái bà Công đã bị vụ sạt lở nuốt chửng (Ảnh: Nguyễn Vy).
Trong tích tắc, bà nghĩ đến an nguy của con gái và đã khóc nghẹn ở khoảnh khắc đó. "Sợ lắm nhưng tôi cố lấy lại bình tĩnh và thở phào khi nhớ ra buổi chiều trước hôm ấy, tôi đã kịp dặn con dời đi khi thấy nhà bị nghiêng. Nếu không, mọi chuyện chắc đã rất tệ", bà Công nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng ấy.
Nền nhà vỡ toang, mái tôn lụp xụp gần như đổ xuống và mọi vật dụng đều rơi xuống nước là những gì còn sót lại ở căn nhà của con gái bà Công. Kể từ hôm ấy, bà Công lúc nào cũng trong tình cảnh thấp thỏm. Tối đến, bà lại trằn trọc, thỉnh thoảng hay giật mình thức giấc vì sợ căn nhà của mình sẽ sập bất cứ lúc nào.
"Bây giờ, tối đi ngủ là tôi không đóng cửa nhà nữa. Tôi cũng không ngủ trong phòng mà đặt giường ở gần cửa nhà để ngủ. Vì nhà sập lúc nào đâu biết được, ngủ gần cửa để còn chạy thoát thân. Tôi cũng không sợ trộm vào nhà, vì trong nhà chẳng có gì quý giá, chỉ có mấy vết nứt thôi", bà Công nói nửa thật, nửa đùa.
Căn nhà nứt toác, viên gạch gần như rơi xuống trong nhà bà Công (Ảnh: Nguyễn Vy).
Chỉ tay lên bức tường nứt toác, lộ rõ tia nắng bên ngoài rọi thẳng vào mặt, bà Công ngán ngẩm, thở dài khi căn nhà mình chăm chút hơn 70 năm giờ trở nên xấu xí, bởi những vết nứt ấy. Bên trong khu bếp, những đoạn nứt gần như chia căn nhà ra làm hai nửa và mỗi ngày đều nứt thêm một ít. Bà Công phải loay hoay kiếm đồ chặn các lỗ nứt lại để chuột không bò vào nhà.
Tết năm nay, bà Công không còn vui vẻ gì khi căn nhà trở nên xập xệ. Con cháu cuối tuần vẫn đến thăm, ngủ lại, nhưng sự ấm áp khi gia đình quây quần trước đó đã vơi đi một nửa. Giờ đây, bà Công chỉ còn sống với một người con gái.
Đứng bên ngoài có thể nhìn thấy những vết nứt dần chia căn nhà ra làm hai nửa (Ảnh: Nguyễn Vy).
"Tôi có 2 người con sống ở 2 căn nhà quanh đây nhưng đã sập cả rồi. Trước đây chúng tôi sống gần nhau, có chuyện gì là í ới, chạy qua lại rất nhanh. Nhưng giờ thì buồn hiu, xóm này chỉ còn vài người sinh sống", bà Công rầu rĩ.
Sống ở khu vực gần bờ kè, bà Công cho hay bản thân đã quen sống với… nước ngập.
"Ngập vào tận trong nhà là chuyện bình thường. Chúng tôi đã nâng nền nhà mấy lần, nhưng nước vẫn cứ tràn vào vì bờ kè ngày một sụt lún", bà Công bộc bạch.
Mong ngày sớm dời đi
Nhìn các hộ dân xung quanh lần lượt được di dời lên chung cư sống tạm, cụ bà 83 tuổi ngày nào cũng mong ngóng sẽ đến lượt mình. Đến nay, bà Công vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào hỗ trợ sửa nhà hay khắc phục những ảnh hưởng của vụ sạt lở.
"Nếu được di dời, xin hãy cho chúng tôi đi thật sớm vì thú thật ngày nào cũng sợ hãi. Những vết nứt thì ngày càng lộ rõ thêm", bà nói.
Dù nhiều lần dùng xi măng "chắp vá", nhà bà Công và khoảng sân phía trước ngày càng di chuyển ra xa nhau (Ảnh: Nguyễn Vy).
Cách đó không xa, gia đình của ông Nguyễn Văn Tư (70 tuổi) cũng ngày đêm thấp thỏm khi 10m phía sau nhà đã nghiêng theo vụ sạt lở. Con trai, con dâu và các cháu ông Tư từ sống tách biệt ở khu nhà phía sau, giờ phải "cuốn gói" vào sống cùng ba mẹ trong căn nhà chật hẹp.
"Bây giờ, 9 người chúng tôi sống cùng một nhà. Buổi tối, 9 người chia nhau ra ngủ tạm. Thú thật là rất chật chội và nóng nực", ông Tư nói.
Hơn nữa, mỗi khi nước ngập, những chiếc thuyền, cano đi ngang nhà là nỗi ám ảnh của gia đình ông Tư.
"Mùng 3 Tết năm nay, chúng tôi đã dọn nhà sạch sẽ nhưng nước tràn vào lúc 2h rạng sáng. Lúc đó, mấy đứa nhỏ sợ lắm, trốn hết lên gác. Còn người lớn dưới này phải chật vật dọn dẹp ổ điện, đồ dùng trong nhà.
|
|