Người dân Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia... đi mua sắm, dọn dẹp, tổ chức lễ hội trước thềm Tết nguyên đán.
Đèn lồng hình con rồng khổng lồ trong lễ hội đèn lồng tại chùa Đông Thần, núi Phật Quang ở Jenjarom, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia.
Chùa xây năm 1994, rộng gần 6,5 ha, là trung tâm Phật giáo ở Malaysia. Ngôi chùa nổi tiếng với Lễ hội hoa và đèn lồng tổ chức thường niên vào dịp Tết, kéo dài 15 ngày và thu hút hàng trăm nghìn khách tham quan.
Malaysia là quốc gia đa chủng tộc, trong đó người Hoa là một trong những cộng đồng lớn nhất. Tết Nguyên đán là một trong những dịp lễ quan trọng nhất ở Malaysia và năm nay người dân được nghỉ lễ hai ngày 10 và 11/2.
Em bé chạm vào đèn lồng đỏ bán trong khu chợ ở thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông.
Những ngày giáp Tết, người dân Trung Quốc thường mua đèn lồng, câu đối... màu đỏ, màu sắc tượng trưng cho may mắn, để trang trí nhà cửa.
Theo quan điểm của triết học phương Đông, 2024 là năm Giáp Thìn (rồng gỗ). Do đó, các vật phẩm, đồ trang trí hình rồng thường được người dân mua về trang trí hoặc làm đồ kỷ niệm, quà tặng.
Người dân tụ tập ở Chinatown, Manila, Philippines, dự lễ thắp sáng cây rụng tiền ngày 1/2. Cây rụng tiền còn có tên là cây thịnh vượng, biểu tượng phong thủy thường được sử dụng để thu hút năng lượng tích cực đem lại giàu sang, may mắn, tài lộc, bình an, thịnh vượng.
ChinaTown ở Manila trải qua 430 năm phát triển, là khu phố người Hoa lớn nhất Philippines. Nơi đây thường tổ chức nhiều hoạt động như múa lân, bắn pháo hoa, mỗi dịp Tết đến.
Người đàn ông viết chữ "Phúc" trong một điểm du lịch ở Thanh Châu, thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, ngày 2/2.
Chữ "Phúc" tượng trưng cho sự may mắn, được trời đất thần linh phù hộ. Người Trung Quốc thường dán ngược chữ Phúc ở cửa ra vào trong dịp Tết, bởi phát âm của từ "ngược" giống với từ "đến", với ý nghĩa "may mắn tới nhà".
Người Hoa ở Indoneisa tắm rửa cho tượng Phật trước thềm năm mới ở chùa Dharmayana, Bali, Indonesia, ngày 3/2.
Tết Nguyên đán được công nhận là ngày lễ quốc gia ở Indonesia từ năm 2003. Có khoảng 2,8 triệu người Hoa sinh sống ở Indonesia, quốc gia đa số người dân theo Hồi giáo. Vào ngày này, người gốc Hoa ở Indonesia thường tắm rửa cho tượng Phật, dọn dẹp chùa chiền, trang trí nhà cửa... |