|
Vì đâu nhiều quốc gia Đông Nam Á, từ Singapore, Thái Lan đến Indonesia đang phát tiền cho người dân?
Chính phủ nhiều nước Đông Nam Á đang tập trung hỗ trợ tiền cho người dân trong khi các chuyên gia cảnh báo việc này có thể gây ra những gánh nặng tài chính.
Nhiều nước Đông Nam Á đang cấp tiền trực tiếp cho các hộ gia đình để giúp họ ứng phó với tình trạng giá cả tăng vọt, Nikkei Asia đưa tin.
Trong phân bổ ngân sách tài chính 2024 của Singapore, chính phủ nước này sẽ cấp phiếu mua sắm trị giá 600 đô la Singapore (10,9 triệu VND) cho mỗi hộ gia đình. Khoản tiền sẽ được phân bổ thành hai đợt vào tháng 6 và tháng 1 năm sau. Chương trình hỗ trợ này diễn ra sau đợt phát phiếu mua sắm trị giá 500 đô la Singapore vào tháng trước.
Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong nhấn mạnh các quan ngại của chính phủ về chi phí sinh hoạt tăng cao trong bài phát biểu về ngân sách. Chương trình này được đưa ra trong bối cảnh công chúng đang kêu gọi hỗ trợ tài chính khi người dân Singapore cảm thấy khó khăn hơn do giá cả tăng cao liên tục.
Theo Cục Thống kê Singapore, giá tại các trung tâm bán hàng rong hoặc khu ẩm thực nổi tiếng của đất nước đã tăng 15% trong từ năm 2019 đến năm 2023. Một cuộc khảo sát cho thấy giá một đĩa cơm gà tăng khoảng 20% trong hai năm.
Các quốc gia khác cũng đang đi theo con đường phát tiền mặt.
Chính quyền của tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin có kế hoạch chi 500 tỷ baht (343 nghìn tỷ VND) để gửi 10.000 baht qua ví điện tử cho tất cả người Thái từ 16 tuổi trở lên và đáp ứng các yêu cầu nhất định. Chương trình hỗ trợ này được cho là có phạm vi rộng nhất và tốn kém nhất cho đến nay.
Malaysia đang tăng cường hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, với quy mô lên đến 10 tỷ ringgit (51.500 tỷ VND) trong năm nay, từ mức 8 tỷ ringgit vào năm 2023. Philippines sẽ cấp 5.000 peso (2,18 triệu VND) cho các hộ gia đình có thu nhập từ 23.000 peso trở xuống mỗi tháng.
Khi lạm phát ở các nước Đông Nam Á hạ nhiệt, hiệu quả của việc phân phối tiền mặt trực tiếp tới người dân làm dấy lên những nghi vấn.
Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput nói với Reuters vào tháng 1 rằng cách để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn “không chỉ bằng cách thực hiện các biện pháp kích thích ngắn hạn”.
Một số chính phủ đang tìm cách hạn chế số lượng người nhận tiền để giúp việc phân phát ít tốn kém hơn, nhưng những chương trình kiểu này vẫn có thể gây gánh nặng lên tài chính công.
Tham khảo: Nikkei |
|