|
Thu nhập thụ động từ Web/App trả tiền cho người mua sắm?
Có một số Web/App liên kết với các sàn, các shop để trả lại một phần tiền cho khách hàng. Số tiền này khoản từ 3%-10% số tiền mà khách hàng mua. Đây là một cách để tưởng thưởng khách hàng và khuyến khích khách hàng mua sắm từ Web, App đó. Cách làm này tạo giá trị cho các bên và cần được khuyến khích.Tuy nhiên có một số Web/App quảng cáo sẽ trả lại cho khách hàng đến 70%, 80% thậm chí 100% số tiền họ đã mua sản phẩm/dịch vụ. Và quảng cáo đây là thu nhập thụ động.
Đây có thể là cách mà một số doanh nghiệp làm marketing, xây tập khách hàng nhanh với chi phí khá cao. Nhưng đây cũng có thể là cách mà một số doanh nghiệp huy động dòng tiền, họ không trả lại bằng tiền mà trả bằng điểm, để khuyến khích tiêu thụ từ khách hàng, và cũng nhờ đó trì hoãn dòng tiền trả lại cho khách.
Nguy hiểm nhất là khi doanh nghiệp chi nhiều hơn thu, họ phải dùng tiền của người sau trả cho người trước. Khi đó hệ thống cực kỳ rủi ro, tốc độ người mua mới mà giảm, thì hệ thống sẽ thất thủ ngay. Chúng ta tuyệt đối không nên tham gia vào các mô hình này, đừng tin vào 4 chữ “thu nhập thụ động” của họ.
Thu nhập thụ động từ những dự án hợp tác đầu tư?
Những mô hình bất động sản kiểu như “Cho thuê kỳ nghỉ”, “Mô hình nhà tiền chế, thuê – xây dựng – cho thuê”, những hình thức “ủy thác đầu tư” vào chứng khoán phái sinh, chứng khoán nước ngoài, forex, những quỹ úy thác… cam kất tỷ suất lợi nhuận 30% – 100%/năm, mà tôi cũng đã từng viết bài, cũng hay dùng chiêu quảng cáo “Bạn chỉ cần góp vốn. Đội ngũ chuyên nghiệp của chúng tôi sẽ quản lý, sẽ kiếm tiền cho bạn. Bạn không cần phải lo gì cả. Tiền sẽ tự sinh ra với lãi suất X%, gấp mấy lần ngân hàng.Những mô hình này không chóng thì muộn sẽ thất thủ.
Nếu chúng ta hiểu biết về ngành đó thì chúng ta hỏi họ điều hành, kinh doanh cách nào để tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao như vậy. Họ sẽ trả lời lòng vòng ngay. Và họ sẽ dùng những từ có chuyên môn cao siêu, hiện đại như AI, 4.0 ra “hù dọa” chúng ta. Thực chất là họ không thể nào lý giải được mức tỷ suất sinh lợi cao như vậy mà không có rủi ro.
Còn nếu chúng ta không rành về ngành đó, thì chỉ cần hỏi họ câu sau. “Tỷ suất lợi nhuận cao như vậy sao DN không mượn ngân hàng, không gọi đại gia, quỹ đầu tư? Chỉ cần trên 15%/năm là ngân hàng, quỹ, đại gia tham gia ngay. Tỷ suất lợi nhuận của dự án đến 40%, 60% quá ngon. Sao không mời họ cho nhanh, mà mời tôi?” Hoặc “nếu tôi vay 15%, và tôi đầu tư vào dự án thì tôi hưởng chênh lệch, mà không có rủi ro à? Các anh mời tôi làm giàu miễn phí à?”
Những dự án này vi phạm nguyên tắc “Không bao giờ có một bữa trưa miễn phí”. Chúng không phải là nguồn thu nhập thụ động, và chúng có đủ 3 loại rủi ro chính: rủi ro mất vốn, rủi ro không đạt tỷ suất lợi nhuận, rủi ro thanh khoản.
Đừng mơ mộng làm giàu bằng thu nhập thụ động
Tìm kiếm trên Google chúng ta sẽ thấy còn khá nhiều nghề, mô hình kinh doanh được quảng cáo là thu động thụ động như: Trở thành một YouTuber, Bán hàng trên Amazon và eBay, Dropshipping (bán hàng không cần hàng), Tạo một ứng dụng, Đào bitcoin, Đánh bài Poker, Cho vay ngang hàng (Peer-to-peer lending), Xây dựng một doanh nghiệp vận hành tự động…
Thật sự những nghề, mô hình kinh doanh này không phải là nguồn thu nhập thụ động. Chúng đòi hỏi chúng ta lao động, chúng đòi hỏi chúng ta hiểu biết, chúng đòi hỏi chúng ta chấp nhận rủi ro. Tin vào những quảng cáo này, chúng ta sẽ mất thời gian, mất tiền của và đặc biệt là bị mơ mộng, bay bổng. Việc phung phí thời gian, cơ hội và suốt ngày mơ tưởng “làm giàu nhanh, làm giàu mà không phải lao động” mới chính là mất mát lớn nhất của những người này. Trong thực tế thì việc “Thu nhập thụ động, không cần làm gì, chỉ cần ngủ cũng có tiền” chỉ có thể xảy ra đối với những đứa con nhà giàu đang được ba mẹ “úm”, không cho xông pha tự làm ra tiền.
Còn lại, người thường chúng ta muốn làm ra tiền thì phải tạo ra giá trị. Và chúng ta chỉ có thể làm được việc đó từ 1 hay nhiều những thứ sau: Công sức lao động, thời gian, thái độ, trí tuệ, ý tưởng, tiền vốn… Trong đó thái độ đối với tiền, đối với bản thân là quan trọng nhất.
|
|